Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Cảnh vệ (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp

23/02/2024
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 30, chiều 22/02/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự án Luật Cảnh vệ (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung này. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng,Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật.

Dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành chức năng.

Bổ sung đối tượng cảnh vệ

Báo cáo về dự án Luật Cảnh vệ (sửa đổi), Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ cho biết, Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018, qua 5 năm triển khai thi hành Luật xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. 

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ.


Cụ thể: Về đối tượng cảnh vệ, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đã xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.      

Đối với nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng Cảnh vệ.  

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ, Điều 6 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định: "(1) Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. (2) Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ". Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu cần có chính sách quy định đặc thù để đẩy mạnh xây dựng lực lượng Cảnh vệ. Do đó, cần thiết giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Các đại biểu dự phiên họp.


Về nội dung cơ bản của Luật, bổ sung giải thích một số từ ngữ tại Điều 3, gồm: “Chế độ cảnh vệ”, “Kiểm tra an ninh, an toàn”, “Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “Sử dụng thẻ, phù hiệu". Bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Chỉnh lý, sắp xếp thứ tự các chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; cụ thể sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cơ sở để áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam: "trên cơ sở có đi có lại". Đồng thời, quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sĩ quan Cảnh vệ.

Nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Cảnh vệ

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội cho biết,  Thường trực Uỷ ban QPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong thời gian gần đây, nhất là thể chế Nghị quyết số 12 và Kết luận số 35 của Bộ Chính trị; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh vệ.


Về hồ sơ dự án Luật, Thường trực Uỷ ban QPAN cho rằng, hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau phiên họp của UBTVQH, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tập trung tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm thời gian trình Quốc hội và gửi cơ quan thẩm tra theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, các chính sách nêu tại tờ trình và các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, cơ bản bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như: sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ. Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban QPAN nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung.  

Về bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ, Thường trực Uỷ ban QPAN nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ theo đề xuất của Chính phủ nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.

Về sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ (điểm c khoản 3 Điều 1), dự thảo luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban QPAN nhất trí với việc thu hẹp như dự thảo Luật.

Thu hẹp đối tượng đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội là cần thiết

Tại phiên thảo luận, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến của cơ quan thẩm tra, cho rằng, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp sắp tới. 

Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc bổ sung đối tượng được bảo vệ, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với các đối tượng không thuộc đối tượng cảnh vệ được quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình bổ sung một số biện pháp cảnh vệ, điều kiện đảm bảo để thực hiện các biện pháp cảnh vệ, qua công tác phối hợp với lực lượng cảnh vệ, Bộ Công an trong đảm bảo các điều kiện cần thiết, đặc biệt trong các công tác đối ngoại. Đây đều là những biện pháp đã được thực hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, vì vậy, việc luật hóa là cần thiết. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến.


Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung, đại biểu cho biết dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn, đề nghị rà soát lại toàn diện Luật Cảnh vệ hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung đầy đủ. Đại biểu cũng đề nghị xem xét về phạm vi điều chỉnh như ý kiến của Ủy ban QPAN để xem đối tượng cảnh vệ ở nước ngoài đảm bảo đầy đủ địa bàn công tác của Cảnh vệ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng nhất trí về việc bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ  vì ba chức danh này đều là những chức danh có vị trí, tầm quan trọng trong hệ thống chính trị. Quy định về hội nghị lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, đại biểu Lê Thị Nga cho biết dự thảo luật thu hẹp đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị lễ hội do Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự. Đại biểu đồng ý với việc thu hẹp này, nhưng đề nghị làm rõ chủ thể nào trong Quốc hội, chủ thể nào trong Chính phủ… 

Dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua 5 năm tổng kết thực thi Luật Cảnh vệ hiện hành cho thấy nhiều nội dung cần phải có sửa đổi. Theo đó, việc sửa đổi để bổ sung số các nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.


Chủ tịch Quốc hội ghi nhận công tác chuẩn bị dự án luật công phu. Hồ sơ dự án luật bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung cơ bản cũng đã thể chế hóa các đường lối, quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND),Quân đội nhân dân nói chung và lực lượng cảnh vệ cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng được yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

“Việc chúng ta bổ sung biện pháp cảnh vệ đối với 3 chức danh là phù hợp với quy định của Trung ương cần thiết, xác đáng. Đến nay, dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra phối hợp tiếp thu tối đa để lắng nghe, giải trình thấu đáo các ý kiến đại biểu để khi thông qua đạt đồng thuận cao nhất” – Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Đối với các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, những đối tượng cảnh vệ chưa có quy định trong luật thì Chính phủ trình với UBTVQH để bổ sung là những trường hợp phát sinh đã tương đối ổn định, lâu dài và quy định thêm để thực hiện và trường hợp đặc biệt, đột xuất nhưng chưa được quy định trong luật và cũng chưa trình được Quốc hội để bổ sung thì ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng. Quy định này là cần thiết trước thực tiễn linh động, phong phú; song cần có thuyết minh, giải trình kỹ hơn về trường hợp cần thiết.

Lực lượng Cảnh vệ chỉ tổ chức ở cấp Bộ

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến góp ý của các Ủy viên UBTVQH. Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu chỉnh lý theo đúng quy định. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời sẽ có giải trình hợp lý, tường minh, dễ hiểu và thuyết phục hơn.


 
Các đại biểu dự phiên họp.


Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, các biện pháp cảnh vệ mang tính nghiệp vụ cao; trong khi đó các quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ là các quy định về cách thức, quy trình để thực hiện công tác cảnh vệ, những nội dung này mang tính nghiệp vụ của lực lượng CAND và có chứa bí mật nhà nước do đó nội dung này giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết là phù hợp.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho rằng, luật hóa một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện; cụ thể: xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện công tác cảnh vệ, huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND, huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ.

Về tổ chức, bộ máy của lực lượng Cảnh vệ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thiện xong Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, tất cả các quyết định về tổ chức của Công an cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều không có lực lượng Cảnh vệ. Trong Đề án thực hiện Nghị quyết 12 về đưa các lực lượng lên chính quy, hiện đại thì lực lượng Cảnh vệ cũng không có tổ chức ở cấp tỉnh trở xuống, giống như Cảnh sát cơ động chỉ có ở cấp bộ.   

Lan Anh - Phương Thủy
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website