Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
|
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Dự Hội thảo có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia Sự thật; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ…
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh, công tác công an có tính đặc thù cao, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên ngành, có trình độ khoa học, kỹ thuật, mà còn phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, thể hiện phong cách chuẩn mực, văn hóa trong công tác, chiến đấu, trong ứng xử và trong cuộc sống thường ngày.
|
Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn chủ trì Hội thảo. |
Hội thảo khoa học “Lý luận về xây dựng, phát triển văn hóa trong CAND” là diễn đàn quan trọng để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những quan điểm phát triển, cơ hội và thách thức, mục tiêu định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ trong CAND thời kỳ mới. Đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ đối với việc xây dựng văn hóa CAND, xây dựng lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Với tinh thần trên, Hội thảo đã nhận được 45 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, nhà quản lý các thiết chế văn hóa trong và ngoài lực lượng Công an. Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, thiết thực, có căn cứ khoa học, thực tiễn, bám sát chủ đề Hội thảo và tập trung vào các vấn đề: Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về phát triển văn hóa; thực trạng, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hoạt động phát triển văn hóa trong CAND. Xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn, thách thức, thành công trong quá trình phát triển văn hóa xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ…
|
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Tham luận tại Hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành khẳng định: Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND luôn xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng. Để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang được giao phó, lực lượng CAND luôn quan tâm chăm lo xây dựng văn hóa đặc thù của lực lượng, đồng thời, góp sức vào công cuộc phát triển văn hóa của đất nước theo chỉ đạo của Đảng.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho rằng, để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa CAND, cần đổi mới phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với xu thế thời đại như tăng cường ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội… để có thể thu hút được sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ Công an trẻ tuổi. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện sử dụng cán bộ cần chú ý các kỹ năng làm việc, nhất là làm việc trong môi trường quốc tế.
|
PGS.TS Vũ Trọng Lâm phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, để nâng cao văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tập trung nâng cao trình độ giác ngộ và bản lĩnh chính trị; tăng cường năng lực tư duy, trí tuệ; chú trọng năng lực ra quyết định lãnh đạo và bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng. Trong đó, PGS.TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh “việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên phải gắn liền với việc rèn luyện đạo đức, văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên phải gắn liền với việc rèn luyện đạo đức, lối sống và đề cao trách nhiệm nêu gương. Hay nói cách khác, người cán bộ, đảng viên phải là người tiêu biểu về đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân…”.
|
Thiếu tướng, TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí CAND phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Tham luận về chủ đề “Sáng tạo văn học về đề tài CAND góp phần xây dựng, bồi đắp phẩm chất, nhân cách người cán bộ, chiến sĩ CAND trong tình hình mới”, Thiếu tướng, TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí CAND khẳng định: Các tác phẩm văn học về CAND đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức, thái độ và hành động của cán bộ, chiến sĩ CAND. Mỗi tác phẩm văn học về CAND mà họ đọc đã giúp họ ý thức sâu sắc hơn về hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ CAND họ phải hướng tới và đồng thời phát huy phẩm chất tốt đẹp đang hiện hữu trong chính họ. Do đó, theo TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, cần phải phát triển văn học Công an nhằm nâng cao thẩm mỹ tác phẩm, tác động tích cực đến sự hình thành, bồi đắp nhân cách cán bộ, chiến sĩ CAND.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng đánh giá về bối cảnh, xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu, văn hóa đang chịu sự tác động trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực; đưa ra nhiều giải pháp vận dụng các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết về phát triển văn hóa hiện nay. Đó là những đóng góp hữu ích, có ý nghĩa đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa con người nói chung và văn hóa của cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới, đặc biệt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận, các kiến đóng góp và các kiến nghị, giải pháp mà các đại biểu đưa ra tại Hội thảo; khẳng định sẽ tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa trong CAND...