Đến dự chương trình có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh.
Cùng dự chương trình có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ, và hàng trăm đoàn viên, thanh niên Công an các đơn vị, địa phương cùng bà con nhân dân tỉnh Tây Ninh...
|
Các vị lãnh đạo và đại biểu tham dự chương trình. |
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, chương trình “Giữ trọn lời thề - Nối những dòng sông” năm nay được tổ chức đúng vào ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 là lời tri ân, tôn vinh những công lao, đóng góp to lớn của các thương binh, liệt sĩ và người có công với Cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những cán bộ chiến sĩ CAND đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, không màng tính mạng bản thân, chi viện cho chiến trường miền Nam, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mở đầu chương trình, các đồng chí lãnh đạo và đại biểu đã dành một phút tưởng niệm để tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc; các anh hùng liệt sĩ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã dâng hiến trí tuệ, sức lực vì nền độc lập và sự thịnh vượng của nước nhà và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính yêu vừa đi xa, để lại cho nhân dân ta niềm thương tiếc vô hạn...
|
Các ca khúc và hoạt cảnh được biểu diễu đặc sắc và hoành tráng. |
Trong văn hóa Việt, mỗi dòng sông chảy qua từng vùng đất luôn được xem là cái nôi văn hóa, là mạch nguồn sản sinh ra những người con anh hùng mang theo hoài bão, khát khao cho hòa bình của dân tộc. Chương trình “Giữ trọn lời thề - Nối những dòng sông” đã khắc họa lại những dấu mốc lịch sử và những chiến công thầm lặng nhưng vô cùng đặc biệt, quan trọng của lực lượng an ninh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, qua hình ảnh các dòng sông chảy qua nhiều vùng đất từ Bắc vào Nam…
Tháng 10/1954, Xứ ủy Nam Bộ thành lập Ban Bảo vệ Xứ ủy. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng An ninh vũ trang miền Nam sau này. Thiếu tướng Phan Văn Lai, Trưởng Ban Liên lạc Công an chi viện chiến trường Miền Nam cho biết: “Mặt trận đấu tranh với các thế lực tình báo gián điệp, cảnh sát và phản động ở miền Nam cũng diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Chúng lại được Mỹ trang bị cho các phương tiện, nghiệp vụ hiện đại”.
Trước âm mưu mới của Mỹ, phong trào cách mạng ở miền Nam đứng trước những thử thách hết sức quyết liệt. Để tăng cường sức mạnh cho an ninh miền Nam, ngày 23/1/1961 Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để thay Trung ương lãnh đạo cách mạng miền Nam.
|
|
|
Một số tiết mục tại chương trình. |
Trung ương Cục miền Nam quyết định đổi tên Ban Bảo vệ Xứ ủy thành Ban Bảo vệ An ninh Trung ương Cục miền Nam. Đây là “Bộ chỉ huy tối cao” của lực lượng An ninh miền Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chương trình Giao lưu nghệ thuật “Giữ trọn lời thề - Nối những dòng sông” với nhiều tiết mục thuộc nhiều thể loại âm nhạc, hoạt cảnh, phóng sự tài liệu, được khắc họa qua 3 chương, có nội dung: Chương 1 - “Dòng sông hoài bão”; Chương 2 - “Dòng sông hoa lửa”; Chương 3 - “Dòng sông khát vọng”.
Chương 1 “Dòng sông hoài bão” được mở màn với ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” và hoạt cảnh “Nụ hoa bất tử” đầy lay động. Liệt sĩ Võ Thị Sáu là một trong những biểu tượng của sự hy sinh và lòng dũng cảm. Chị đã được ghi danh vào lịch sử như một người lính an ninh quả cảm, luôn sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình để bảo vệ đất nước và nhân dân.
|
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao quà tặng các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ. |
Cùng với đó, nhiều ca khúc khác như “Lên ngàn”, “Xuân Chiến khu”, “Làng quan họ quê tôi”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Vàm Cỏ Đông”… và nhiều hoạt cảnh múa hát đưa người xem qua hành trình dài, từ khi người chiến sĩ an ninh chia tay với người yêu lên đường vào miền Nam chiến đấu…
Với phim tài liệu “Trận đánh để đời” (nói về cuộc chiến đấu chống cuộc hành quân quy mô lớn nhất, dài ngày nhất mang tên Junction City của địch), nội dung của Chương 2 chương trình “Dòng sông hoa lửa” với nhiều ca khúc như “Hành khúc ngày và đêm”, “Lá đỏ”, “Bão nổi lên rồi”, “Tiến về Sài Gòn’, bài ca vọng cổ “Bông huệ đỏ” và hoạt cảnh “Còn mãi trong tim” đã nhắc nhớ về một thời hào hùng và gian nan của cách mạng miền Nam.
Trong trận chống cuộc hành quân Junction City, Ban An ninh Trung ương Cục giao nhiệm vụ cho Đoàn 180 An ninh vũ trang và bộ phận An ninh vũ trang bảo vệ căn cứ phối hợp với các cơ quan triển khai kế hoạch chống càn, xây dựng các cụm xã chiến đấu, củng cố hệ thống hầm hào, công sự chiến đấu liên hoàn, trận địa bí mật. Tiểu ban An ninh vũ trang Trung ương Cục tổ chức thành 2 bộ phận: 1 bộ phận làm nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và cán bộ di chuyển lên biên giới Việt Nam - Campuchia; 1 bộ phận bám trụ chiến đấu bảo vệ căn cứ.
Sau hơn 50 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, An ninh vũ trang Trung ương Cục và Tây Ninh cùng quân giải phóng đánh bại cuộc hành quân Junction City.
|
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an trao quà tặng các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ. |
“Dòng sông khát vọng” đã có một cái kết thật hào hùng và oanh liệt. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Công an đã huy động đến mức cao nhất về lực lượng, vũ khí và phương tiện kỹ thuật chuyên ngành; chi viện 4.500 cán bộ có kinh nghiệm công tác, chiến đấu, nâng tổng số cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam lên hơn 11 nghìn đồng chí.
Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng, lãnh đạo và chỉ đạo các hoạt động tình báo, an ninh trên chiến trường miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng quân sự, chính trị hoạt động có hiệu quả.
Ông Huỳnh Văn Nghiêm, nguyên cán bộ Ban An ninh Tây Ninh, cận vệ của đồng chí Đại tá, Anh hùng LLVTND Tô Quyền hồ hởi chia sẻ: “Giải phóng rồi, tâm trạng rất vui mừng. Người dân gặp mình ai cũng mừng lắm…”.
Theo chiều dài lịch sử 30 năm kháng chiến trường kỳ vĩ đại của dân tộc 1945-1975, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam luôn là lực lượng nòng cốt trên các mặt trận chính trị, quân sự, bảo vệ căn cứ, cơ quan đầu não kháng chiến; phối hợp với lực lượng vũ trang đánh địch trên các vùng chiến lược; và chuẩn bị cuộc tổng tiến công, nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với sự chuẩn bị chu đáo, chiến đấu dũng cảm, trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, cán bộ chiến sĩ Ban An ninh Trung ương cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng, khép lại một trang sử hào hùng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Chia sẻ tại chương trình, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, chương trình Giao lưu nghệ thuật “Giữ trọn lời thề - Nối những dòng sông” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của mỗi cán bộ chiến sĩ, tiếp tục phát huy, bồi đắp truyền thống anh hùng cách mạng của lực lượng CAND anh hùng.
Nhân dịp này, Bộ Công an đã trao những phần quà nhỏ gửi tới các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, để tri ân những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cán bộ tiền bối của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.