Công an xã nơi phên dậu Tổ quốc

26/07/2024
Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở luôn đòi hỏi sự kết nối đặc biệt giữa Công an với Nhân dân và các lực lượng chức năng khác, nhất là ở các xã biên giới với nhiều đặc thù, khó khăn khác biệt. Dù ở đâu, lực lượng Công an cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều này đã trở thành hình mẫu tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Cuộc sống vùng biên

Đón chúng tôi trong buổi chiều mưa nhưng tiếng cười nói ấm áp bởi các đồng chí Công an xã Ia Púch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã xua tan đi cảm giác vắng lặng, cô đơn nơi biên giới. Ngay từ sớm, khi tôi gọi điện báo anh Tuấn – Trưởng Công an xã là đoàn công tác sắp đến nơi, anh liền vui vẻ đáp lời: “Đến nhanh nhé, bọn anh đang đợi sẵn rồi”.

Cách trung tâm thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông) hơn 50 cây số và có 8,7 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, xã Ia Púch diện tích đất rộng nhưng chỉ có hơn 950 hộ dân sinh sống. Ở đây có đến 17 thành phần dân tộc mà đông nhất là người Jrai nên đời sống văn hóa Nhân dân đa dạng màu sắc. Để hiểu được tâm tư tình cảm của người dân, gắn kết họ vào sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn là việc làm không hề dễ dàng. Ấy vậy mà Công an xã Ia Púch đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ này.

Công an xã Ia Púch phối hợp Bộ đội Biên phòng đến các thôn, làng tuyên truyền pháp luật.


Trụ sở Công an xã được xây dựng mới gần một năm là gian nhà cấp 4 với 7 căn phòng có chức năng tiếp công dân, làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt của 8 cán bộ Công an xã Ia Púch. Bức tường trắng còn thơm mùi sơn mới treo đầy những khung giấy khen, trên những chiếc bàn gỗ là tập hồ sơ quản lí địa bàn, dân cư được sắp xếp ngay ngắn. Ngoài giờ làm việc, anh em Công an xã tích cực tăng gia sản xuất, nuôi thêm đàn gà và ao cá để cải thiện bữa ăn. Xung quanh không có hàng quán gì nhiều, chỉ lác đác vài tiệm tạp hóa bán những nhu yếu phẩm cần thiết. Hầu hết các đồng chí ở đây đều sống xa gia đình, gần nhất thì cách 2, 3 chục km, người xa thì 7,8 chục km. Đặc thù công tác của lực lượng Công an là tổ chức phân công lực lượng trực ban, trực chiến 24/24h nên nhiều đồng chí chỉ về nhà vài lần một tháng. Giống như nhiều đơn vị Công an xã khác, thời gian ở cùng đồng đội, Nhân dân còn nhiều hơn với gia đình.

Công an xã gần dân, hiểu dân

Tại nhà già làng Siu Long (79 tuổi, trú làng Goòng, xã Ia Púch), cuộc trò chuyện giữa cán bộ Công an xã, người có uy tín trong làng gần gũi như những người trong một nhà. Già làng tâm sự: “Hôm trước con trai tôi tháo tung cả cái xe máy ra để độ chế gì đấy đem khoe với bạn bè. May sao nhờ được các anh Công an xã giúp sửa lại, còn có phương tiện mà đi loanh quanh. Công an ở đây họ không chỉ bắt tội phạm, mà giống như “thợ đụng”, kiêm nhiều nghề lắm, nào là tuyên truyền viên, tư vấn viên, vụ việc gì cũng xử lý”.

Phụ trách địa bàn xã Ia Púch gần 10 năm, đến khi có chủ trương bố trí Công an chính quy về xã, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn được giao nhiệm vụ Trưởng Công an xã Ia Púch. Đến nay đã gần 15 năm bám địa bàn, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Nhân dân, anh chia sẻ: “Bà con nhân dân ở đây lúc nào cũng phát huy tinh thần bảo vệ an ninh trật tự vùng biên cương Tổ quốc, xây dựng hương ước của thôn, làng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Mỗi người dân đều có số điện thoại của Trưởng Công an xã, khi xảy ra bất kỳ vụ việc gì, họ đều gọi điện trực tiếp để trao đổi, giải quyết nhanh chóng”.

Lực lượng Công an đến thăm nhà già làng Siu Long và trao đổi về tình hình an ninh tại thôn, làng.


Xã Ia Púch chỉ có 4 thôn, làng với 5 doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Hàng năm, đến mùa thu hoạch nông sản vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, nhiều người từ địa phương khác đến thu mua tại địa bàn là lúc vai trò thông tin của Nhân dân phát huy hiệu quả nhất. Họ cùng với lực lượng Công an đến các lán trại để tuyên truyền thương lái thông báo lưu trú, phương thức liên lạc với Công an xã khi xảy ra vụ việc đột xuất, bất ngờ. Gần đây có vụ việc một đối tượng tên Quảng đến từ Chư Pưh xuất hiện tại địa bàn, có biểu hiện truyền đạo trái phép nhưng chỉ khi vừa mới manh nha, bà con trong thôn, làng đã nhanh chóng báo tin cho Công an xã đến làm việc, yêu cầu đối tượng Quảng ra khỏi địa bàn, không tiếp tục các hành vi gây mất an ninh trật tự.

Ông Siu Ke (42 tuổi, trú tại làng Goòng, xã Ia Púch) cho biết: “Ở đây không có tệ nạn xã hội, hiếm khi xảy ra vụ việc về ma túy vì Công an xã thường xuyên tuyên truyền pháp luật, nhắc nhở thanh thiếu niên trong làng. Hầu hết các cuộc họp dân tại thôn, làng đều có Công an xã tham gia, họ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những ý kiến, thắc mắc của người dân về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và các quy định của pháp luật. Đặc biệt là không có việc kẻ xấu lợi dụng phạm tội trên tuyến biên giới vì có người lạ, nghi vấn đến địa bàn là người dân báo ngay cho Công an xã. Chúng tôi đều tin tưởng và sẵn sàng tham gia cùng với Công an giữ gìn bình yên ở thôn, làng”.

Đoàn kết xây dựng thôn, làng bình yên

Tình đoàn kết không chỉ thể hiện giữa Nhân dân với Công an, mà còn bền vững giữa Công an với bộ đội, giữa cán bộ, chiến sĩ trong Công an xã với các ban ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị các thôn, làng. Trung tá Đỗ Quang Vinh, Phó Trưởng Công an xã Ia Púch chia sẻ: “Trước đây tôi công tác ở Công an xã Ia Piơr, mới chuyển về Ia Púch gần hai năm. Địa bàn này có những đặc thù khác biệt như hai phía biên giới đều giáp rừng, cần thường xuyên, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, nhất là rà soát, nắm tình hình địa bàn. Công an xã thường xuyên thông tin, trao đổi với Công an các địa bàn giáp ranh, Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động Bộ đội biên phòng, Ban quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là trong công tác tổ chức tuần tra kiểm soát vào ban đêm, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra mưa lũ, thiên tai. Công an xã có trụ sở độc lập nằm sát bên Đồn Biên phòng 727 nên lực lượng Công an và Quân đội gắn bó và dành tình cảm cho nhau như người thân trong gia đình, giúp đỡ nhau không chỉ trong công tác đảm bảo an ninh mà cả trong cuộc sống”.

Công an xã Ia Púch gọi hỏi, răn đe,  thanh, thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật giao thông trên địa bàn.


Khi đã khoác lên mình màu áo xanh sắc phục và khắc sâu trong tim lời thề “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến”, thì việc công tác ở xã biên giới là nhiệm vụ mà cấp trên đã tin tưởng giao phó, phải sẵn sàng thực hiện. Huống chi còn có những đồng chí đang canh giữ lãnh thổ đất nước nơi hải đảo xa xôi, cả năm mới về thăm gia đình một lần. “Chỉ cần bà con an tâm lao động sản xuất, thôn làng yên vui, tình hình an ninh chính trị ổn định, cán bộ Công an xã đoàn kết một lòng là tôi hạnh phúc rồi. Khi về nhà, tôi lan tỏa niềm vui đó cho gia đình thì họ cũng thấu hiểu, sẵn sàng đồng hành, trở thành hậu phương vững chắc trong thời gian tôi thực hiện nhiệm vụ” – Đây là những chia sẻ ấm áp từ Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn khi được hỏi về gia đình.
                           

 

 

 

 

Bảo Hân – Hữu Trường
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website