Những “dấu ấn” nổi bật
Không chỉ là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử và cấp tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 cho công dân, huyện Thanh Liêm còn là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Hà Nam hoàn thành 100% việc mở chi trả tiền qua tài khoản an sinh xã hội cho 8.909/8.909 người có công trên địa bàn. Gần đây nhất, ngày 21/8/2024, huyện Thanh Liêm là đơn vị cấp huyện đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho 33.948 trường hợp. Đặc biệt, huyện Thanh Liêm đã hoàn thành 100% việc rà soát, xác minh danh tính và thu thập thông tin mẫu phiếu xác minh thông tin thân nhân gia đình liệt sĩ trên địa bàn....
|
Bộ phận một cửa UBND xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. |
Để đạt được kết quả trên, ông Đào Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân bằng nhiều hình thức, biện pháp, nội dung cụ thể, thiết thực... do đó được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, tích cực hưởng ứng tham gia. Công an huyện Thanh Liêm đã thực hiện tốt công tác tham mưu Chủ tịch UBND huyện trong công tác chỉ đạo, điều hành và trực tiếp chỉ đạo Công an các xã, thị trấn chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ, ngày đêm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.
Đa dạng phương thức truyền cảm hứng
Để có thể “về đích” sớm trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, các giải pháp thi đua nước rút hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cấp thẻ căn cước trên địa bàn đã được Huyện ủy Thanh Liêm triển khai đồng bộ. Các tổ chuyển đổi số cộng đồng đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để trực tiếp hướng dân, cài đặt, giải đáp thắc mắc trong việc kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử.
Đại úy Trần Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Công an huyện Thanh Liêm cho biết: Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, ngoài “mang” kinh nghiệm của các địa phương khác về áp dụng, phải có những hướng đi sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Thanh Liêm có dân số đông, nhiều đơn vị hành chính cấp xã, trong khi cán bộ mỏng, do đó phải linh hoạt điều động cán bộ. Cán bộ xã này tăng cường cho xã kia đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện, ở xã những ngày cao điểm. Tất cả các đơn vị phải cùng nhau về đích thì mới tạo nên thành công. Trong nhiều “đầu việc” để thực hiện Đề án 06, Công an huyện Thanh Liêm đã tham mưu UBND huyện chọn việc nền tảng, chính là công tác làm sạch dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử làm tiền đề triển khai các nhiệm vụ khác... Một yếu tố quan trọng không kém là chọn thời điểm phù hợp để tăng tốc, bứt phá “về đích”. Công an huyện Thanh Liêm đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tăng giờ làm không kể ngày đêm với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, “hết việc, không hết giờ làm”.
|
Công an huyện Thanh Liêm tổ chức chuyến xe miễn phí đưa đón Nhân dân trên địa bàn đi làm CCCD gắn chíp điện tử. |
Đặc biệt, Công an huyện đã tham mưu triển khai hiệu quả mô hình “Sáng đèn nhóm zalo” - một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Đề án 06 tại huyện Thanh Liêm, gồm các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 huyện và 16 Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Thông qua nhóm zalo, các chỉ tiêu thực hiện cấp CCCD gắn chíp, cấp tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2, hay gần đây nhất là cấp thẻ căn cước tại các địa bàn được lãnh đạo mỗi địa phương trực tiếp cập nhật hằng ngày; thường xuyên báo cáo tới Ban Chỉ đạo cấp huyện về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Nhờ thông tin tổng hợp qua kênh zalo, Công an huyện Thanh Liêm đã cử cán bộ tham gia các tổ công tác lưu động toàn quốc của Công an tỉnh; đồng thời chủ động đề xuất Trưởng Công an huyện thành lập các tổ công tác làm lưu động tại các tỉnh phía Bắc, tại các trường và đơn vị quân đội, tại các trung tâm bảo trợ xã hội... tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân.
Song song với đó, huyện Thanh Liêm đã triển khai hiệu quả 28/43 mô hình của Đề án 06. Tất cả các mô hình sau khi triển khai, thực hiện đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân và doanh nghiệp, mang lại những tiện ích, những giá trị to lớn; trong đó có 03 mô hình làm điểm toàn quốc, tiêu biểu: mô hình sử dụng cấp CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID phục vụ công tác theo dõi, quản lý, thống kê người ra vào khu vực và kiểm soát an ninh, trật tự được thí điểm tại Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành; mô hình “Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh; cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VneID (SSO); quản lý điểm, lịch học; mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, lắp đặt Kiosk tự phục vụ tại Trung tâm y tế huyện Thanh Liêm.
Để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả của Đề án 06
|
Công an xã Liêm Phong phối hợp Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Thanh Liêm đến tận nhà làm thủ tục cấp CCCD cho người dân vào buổi tối. |
Sau hơn 02 năm dồn tâm lực “thần tốc” thực hiện Đề án 06 trên địa bàn, người dân và doanh nghiệp bước đầu đã được thụ hưởng những thành quả nhất định. Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong nhiều dịch vụ công thiết yếu... góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân.
Nổi bật, từ tháng 01 đến tháng 08/2024, Đề án 06 đã giúp đơn giản hóa hơn 20.000 thủ tục hành chính, giảm chi phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp. Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được tích cực triển khai tăng về số lượng và giá trị. Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với các bộ, ngành... Gần 9.000 đối tượng chính sách trên địa bàn huyện được nhận trợ cấp an sinh xã hội và hơn 5.900 trường hợp được nhận lương hưu qua tài khoản. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 đã tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội hàng tỷ đồng. Từ 1/7/2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; huyện cũng đang tích cực thí điểm, triển khai những tiện ích số cho người dân, doanh nghiệp như cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, các ứng dụng chuyển đổi số từ Đề án 06.
Huyện Thanh Liêm cũng tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch, tạo liên kết vùng, liên kết các khu, cụm công nghiệp; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm để các dự án đầu tư trên địa bàn được triển khai thuận lợi, sớm đi vào hoạt động; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, dịch vụ. Để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp, huyện Thanh Liêm đã phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương; hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trong huyện tiếp cận với thông tin thị trường nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua quỹ hỗ trợ xuất khẩu, kinh phí sự nghiệp khuyến công.
|
Các đại biểu thăm quan Trung tâm kiểm soát an ninh theo mô hình tại Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành. |
Cùng với đó, huyện Thanh Liêm đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, “một cửa” liên thông để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo thống kê, huyện Thanh Liêm hiện có khoảng 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của huyện bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 21,38%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX đề ra là 15,1%/năm. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn huyện ước đạt 27.320 tỷ đồng, tăng trên 15,4% so với năm 2022 và tăng gần 148% so với năm 2018. Năm 2024, huyện Thanh Liêm đặt mục tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 30.640 tỷ đồng, tăng 12,15% so với năm 2023, với quyết tâm cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng huyện Thanh Liêm sẽ phát triển đột phá đi lên trở thành thị xã trong tương lai.
Có thể khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh; Huyện ủy, UBND huyện cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; sự tiên phong, gương mẫu đi đầu của lực lượng Công an toàn tỉnh đã không quản ngày đêm, nỗ lực vượt qua khó khăn, miệt mài, bền bỉ, sáng tạo với nhiều cách làm hay, hiệu quả, đã từng bước tháo gỡ “nút thắt”, đưa nhiều chỉ số trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số của huyện Thanh Liêm hiện đang dẫn đầu các địa phương trong cả tỉnh. Niềm tin vào công cuộc chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, công dân số được các cấp chính quyền, sở ngành “gieo” vào người dân, đã bước đầu gặt hái được những “trái ngọt” sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án, góp phần truyền “cảm hứng” và tạo “động lực” phát triển mới./.