Theo đó, lực lượng Công an sẽ tập trung kiểm tra, xử lý đối với đối tượng: Chủ xưởng cơ khí, cơ sở sản xuất các loại xe tự chế; người điều khiển xe tự chế, xe kéo vi phạm pháp luật... Về hành vi vi phạm: Các hành vi vi phạm về điều kiện của phương tiện và vi phạm quy tắc giao thông, như: Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; sản xuất lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xe mô tô, xe gắn máy chở hàng “cồng kềnh”, kéo theo xe khác, vật khác; điều khiển xe đi vào đường cấm, đường ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác; các hành vi về mua bán linh kiện, phụ tùng xe không nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ; thay đổi tổng thành khung, máy, linh kiện của các phương tiện khác nhau để lắp ráp thành phương tiện mới...
Đối với việc xử lý các cơ sở sản xuất xe tự chế, lực lượng Công an tham mưu chính quyền địa phương thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động của các xưởng cơ khí, cơ sở sản xuất, lắp ráp xe tự chế, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như mua bán linh kiện, phụ tùng xe không nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ; sử dụng khung, máy, linh kiện của các phương tiện khác nhau để lắp ráp thành phương tiện mới và các vi phạm khác liên quan đến điều kiện đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy.
|
Xe ba bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. |
Đối với việc xử lý xe tự chế, xe kéo vi phạm trật tự an toàn giao thông, căn cứ vào tình hình thực tế, Cảnh sát giao thông sẽ thành lập các Tổ công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe kéo hoạt động trên tuyến, địa bàn quản lý, các địa điểm xe tự chế đón chở hàng hóa. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, xác định các đối tượng lợi dụng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hoặc các đối tượng giả danh thương binh, bệnh binh, người khuyết tật nhằm mục đích “bảo kê” cho xe tự chế, xe kéo hoạt động.
Cùng với việc mạnh tay xử lý vi phạm, lực lượng Công an còn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật Giao thông đường bộ, Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác, quy định của chính quyền địa phương liên quan đến xe tự chế để thương binh, bệnh binh, người khuyết tật và các đối tượng khác; tuyên truyền về hậu quả các vụ tai nạn giao thông do xe tự chế gây ra; kết quả hoạt động của lực lượng Công an trong việc xử lý đối với xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm TTATGT nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong dư luận xã hội…
Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện, phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, các cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hiện đang sử dụng xe tự chế vào mục đích hoạt động vận tải, nhằm bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, có giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý sản xuất, sử dụng các phương tiện phục vụ vận chuyển hàng hóa (xe ba bánh, bốn bánh...) cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có chính sách phù hợp để hỗ trợ chủ xe có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thu nhập thấp, người khuyết tật, thương binh, bệnh binh (hiện đang sử dụng xe sản xuất, lắp ráp trái quy định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để kiếm sống) chuyển đổi ngành nghề, vay vốn mua sắm phương tiện khác đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.