Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

09/02/2022
Lượt xem: 2726
Thực hiện Kế hoạch Số 09/KH-BCA ngày 25/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 09/02/2022, tại Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở". Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía khách mời ngoài ngành Công an có các đồng chí: PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; đại diện lãnh đạo Viện Nhà nước và Pháp luật- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Vụ Pháp chế- Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Viện Khoa học tổ chức, cán bộ- Ban Tổ chức Trung ương, Vụ địa phương I, Ban Nội Chính Trung ương, đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh,Gia Lai, Hưng Yên…

Về phía ngành Công an có các đồng chí: Trung tướng PSG.TS Nguyễn Ngọc Anh, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng; Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các học viện, trường Công an nhân dân…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ, thực tiễn sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) cho thấy các vụ việc phức tạp thường phát sinh hoặc có nguồn gốc từ địa bàn cơ sở. Việc phát hiện giải quyết kịp thời, nhanh chóng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm chủ động ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia “từ sớm, từ xa". Để đáp ứng yêu cầu đó, cần thiết phải quan tâm đến việc tổ chức, quản lý, chỉ đạo lực lượng quần chúng tham gia bảo ANTT ngay ở địa bàn cơ sở. Nhận rõ vấn đề này, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã xác định: “Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đủ mạnh, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở cơ sở". Hiện nay, cùng với lực lượng Công an nhân dân, trên địa bàn cấp xã có sự tham gia bảo vệ ANTT của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng. Các lực lượng này được gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là lực lượng quần chúng do Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động; hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cấp xã.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo.


Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức và hoạt động của các lực lượng này thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc bất cập nhất là về chính sách, pháp luật. Các quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các quy định về thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị chồng lấn giữa các lực lượng. Quy định về chế độ, chính sách; điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang, thiết bị hoạt động của các lực lượng này còn thiếu và chưa thống nhất... Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, duy trì, củng cố và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; làm giảm hiệu quả hoạt động…

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở (sau này đổi thành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở) để từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của lực lượng này. 

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Ngày 11/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP thông qua đề nghị của Bộ Công an về xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng này tại cơ sở, tăng cường công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở; bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và đưa ra xin ý kiến của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá, làm rõ chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian qua. Qua đó, để xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tiếp tục củng cố, phát huy vai trò lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phù hợp với tình hình mới.

Quá trình tổ chức, Hội thảo đã nhận được 39 bài viết tham luận có chất lượng của các đại biểu là đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tạp chí Cộng sản; Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương; các nhà khoa học trong và ngoài Công an nhân dân.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.


Tại Hội thảo, các ý kiến thảo luận đã tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm như: Thống nhất chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp, chế độ hỗ trợ, điều kiện đảm bảo để lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đánh giá thực tiễn tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian qua, chỉ ra những bất cập của các quy định hiện hành đối với lực lượng này. Các tham luận cũng đã đánh giá tình hình và các yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ ANTT của đất nước trong bối cảnh mới; xác định sự cần thiết phải kiện toàn tổ chức, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở trong tình hình mới. Để đảm bảo tính khả thi của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, các đại biểu cũng lưu ý cần luận giải để quy định rõ hơn, cụ thể hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp, trách nhiệm quản lý, nhất là bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở. Hầu hết các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều thống nhất đề xuất Bộ Công an sớm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng này tại cơ sở, bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở

Kết lại Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng đánh giá cao các bài viết đăng trong kỷ yếu Hội thảo và các ý kiến tham luận tại Hội thảo thể hiện rõ sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cán bộ hoạt động thực tiễn và chính điều đó tạo nên sự thành công của Hội thảo. Đồng chí Giám đốc Học viện An ninh nhân dân trân trọng ghi nhận các tham luận tâm huyết tại Hội thảo và giao Ban Tổ chức tập hợp ý kiến của các đại biểu để báo cáo Bộ Công an làm luận cứ khoa học nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua.

Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu tại Hội thảo.


 

Quang Thiện
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website