Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu rất quan trọng. Cùng với lực lượng Công an xã, những người có uy tín đã góp phần vận động người dân ở các thôn bản giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Hiện nay, có 886 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu thuộc 16 dân tộc đại diện cho 20 dân tộc trong tỉnh. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu là những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, là trung tâm đoàn kết, nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong công tác vận động quần chúng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc tại cơ sở.
Thực tế công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an tỉnh Lai Châu đã khẳng định, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng, cầu nối quan trọng giữa chính quyền và Nhân dân. Họ cũng là “địa chỉ” tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của địa phương; đi đầu trong vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt khó khăn, xây dựng gia đình, tổ dân phố, bản văn hóa, tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Thực hiện Nghị định số 79/NĐ/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư 16/2018/TT- BCA ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Công an tỉnh xác định rõ đặc điểm ở các xã sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Lai Châu chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên người dân ở đây vẫn còn giữ nhiều tập tục truyền thống chưa dễ thay đổi ngay được. Trình độ nhận thức các vấn đề xã hội còn hạn chế, sự bất đồng về ngôn ngữ giao tiếp cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
|
Công an xã vận động người dân giao nộp vũ khí. |
Do đó, Công an tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, công tác truyên truyền, vận động đồng bào tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thông qua các cuộc họp tổ dân phố, thôn, bản và các phương tiện thông tin đại chúng; sử dụng pano, áp phích, khẩu hiệu; kết hợp với tranh thủ, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo; góp phần nâng cao hiệu quả công tác này. Công an tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiều biện pháp, trong đó, chú trọng việc tăng cường lực lượng xuống cơ sở thực hiện “4 cùng” với nhân dân; phân công những đồng chí có năng lực, trình độ và biết tiếng dân tộc để tuyên truyền, vận động, tranh thủ người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Qua các đợt tăng cường cơ sở, mối quan hệ giữa lực lượng Công an và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng được gắn bó. Đó là cơ sở để lực lượng Công an tranh thủ, vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Với sự nỗ lực và đóng góp tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh Lai Châu đã vận động người dân tự giác giao nộp, thu hồi được 3.225 súng tự chế, 783 súng hơi cồn, 4 súng thể thao, 5 súng hơi, 1.187 kíp mìn, 158 nòng súng, 116 bẫy kiềng, 62 vũ khí thô sơ, 10 công cụ hỗ trợ, 4 xung điện, 25 súng cao su....
Đại tá Phạm Hải Đăng khẳng định, có được kết quả trên là do sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên, bà con, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và đặc biệt là kết của cuộc vận động, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, điển hình là ông Phản Phủ Ngan, Trưởng bản San Gì, xã Nậm Xe, Phong Thổ đã vận động đồng bào dân tộc thuộc bản mình tự giác giao nộp 24 khẩu súng các loại cho Công an xã.