Lực lượng Công an Thủ đô khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, Giám đốc Công an thành phố (CATP) Hà Nội đã yêu cầu Công an cấp huyện huy động các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 3, trước mắt giải quyết tình trạng cây đổ, bật gốc, gãy cành, ngập úng trên các tuyến đường... để phục vụ người dân, lực lượng chức năng đi lại thông suốt, an toàn.
|
Công an Hà Nội dùng xe chuyên dụng chắn gió giúp nười đi đường trong cơn bão. |
Thống kê sơ bộ đến sáng ngày 08/9/2024, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ CATP Hà Nội và Công an quận, huyện, thị xã đã kịp thời điều động gần 300 lượt phương tiện cùng gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, người dân địa phương tổ chức cứu nạn, cứu hộ 172 vụ cây đổ, bật gốc, gãy cành, nhà tốc mái. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Hiện tại, tất cả các đơn vị trong CATP đang tiếp tục phối hợp lực lượng Quân đội, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão, nhanh chóng giải phóng các tuyến đường bị cây đổ chắn lối, giúp người dân sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.
|
Công an Hà Nội thu dọn cây đổ giúp người dân đi lại thuận lợi. |
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm bám sát địa bàn ngay cả trong điều kiện thời tiết mưa gió lớn để bảo đảm an toàn cho nhân dân. Nhiều hình ảnh đẹp của lực lượng CATP Hà Nội đã được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Công an Hà Nam giúp đỡ cụ ông bị lẫn đi lạc về với gia đình trong mưa bão
Không chỉ huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng chính quyền địa phương có mặt tại các điểm nóng tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân ứng phó với Bão số 3. Ngay sau khi bão tan, với phương châm “4 tại chỗ”, Công an tỉnh Hà Nam đã tiếp tục triển khai lực lượng khẩn trương hỗ trợ nhân dân sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, khôi phục hoạt động sản xuất, đặt mục tiêu là bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân dân.
|
Công an Hà Nam giúp cụ ông đi lạc trong cơn mưa bão trở về với gia đình. |
Theo đó, khoảng 05h sáng ngày 8/9/2024, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, tổ công tác của Công an thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam phát hiện một cụ ông có biểu hiện không minh mẫn, không xác định rõ đường về nhà, tổ công tác đã đưa cụ ông về trụ sở Công an thành phố nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe; đồng thời báo cáo lãnh đạo Công an thành phố chỉ đạo Công an các phường, xã rà soát, xác minh tìm người thân đón cụ về. Với tinh thần khẩn trương, “Vì nhân dân phục vụ” chỉ sau 15 phút, Công an thành phố Phủ Lý đã xác minh và liên hệ được với thân nhân gia đình; được biết cụ ông tên là: Vũ Văn Biểu, sinh năm 1944, trú ở phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, do tuổi cao, trí nhớ bị suy giảm, nên sau khi ra khỏi nhà vào lúc rạng sáng đã không nhớ đường về và bị lạc.
Tại cơ quan Công an, anh Vũ Đắc Điều, sinh năm 1987, con trai cụ Biểu xúc động cho biết: Thời tiết thì đang mưa bão nên gia đình tôi rất lo lắng, chúng tôi cũng đã tổ chức tìm kiếm nhiều địa điểm nhưng không có kết quả, vì vậy khi được lực lượng Công an thông báo, mọi người trong gia đình vô cùng vui mừng, bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Phủ Lý nói chung và Công an phường Thanh Châu nói riêng đã không quản khó khăn, vất vả, đúng với tinh thần “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” nỗ lực giúp đỡ người thân gia đình tôi được đoàn tụ.
Công an huyện Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang) xuyên đêm hỗ trợ hàng trăm hộ dân “chạy lũ”
Do ảnh hưởng của siêu bão số 3 Yagi, nhiều xã tại địa bàn huyện miền núi Sơn Động, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã bị chia cắt, ngập lụt, sạt lở đất, lực lượng Công an đã huy động 100% quân số xuyên đêm hỗ trợ người dân sơ tán, đảm bảo an toàn.
|
Công an huyện Sơn Động hỗ trợ sơ tán người dân tại vùng ngập lũ. |
Ngay từ ngày 6/9, 100% cán bộ, chiến sĩ tại Công an huyện Lục Ngạn và Công an huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã được huy động trực 24/24 cùng các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực ngập lụt, bảo đảm an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy…
Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ chiều và đêm ngày 07/9 đến sáng nay ngày 08/9, trên địa bàn 2 huyện có mưa lớn kéo dài kèm theo gió giật mạnh khiến nhiều khu vực đất đá các đèo, núi bị sạt lở; cây lớn trên nhiều tuyến đường bị đổ, gãy; nhiều trụ sở cơ quan, nhà dân bị ảnh hưởng nặng nề; nước sông, suối đầu nguồn dâng cao gây ngập úng cục bộ, cô lập tại nhiều địa bàn.
|
Công an huyện Lục Ngạn hỗ trợ sơ tán người dân tại xã Giáp Sơn, Lục Ngạn. |
Theo thông tin từ Công an huyện Lục Ngạn, hiện có nhiều nhà dân bị ngập, nguy cơ bị ngập đang được lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng tại chỗ di dời đến nơi an toàn. Trong đó, xã Kim Sơn 16 hộ, xã Nam Dương 350 hộ, xã Thanh Hải 40 hộ, các xã còn lại chưa thống kê được do thông tin liên lạc bị gián đoạn. Còn tại địa bàn huyện Sơn Động, riêng thị trấn An Châu đã có khoảng 40 hộ bị ảnh hưởng, nơi ngập sâu nhất đã cao hơn đầu người, hiện nước sông đang tiếp tục dâng cao. Ngoài ra, ngập lụt còn xảy ra tại các vùng trũng, thấp, dọc bờ sông tại các xã Yên Định, Tuấn Đạo, Vĩnh An, An Lạc… với hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng.
Hiện, lực lượng Công an huyện Sơn Động, Công an huyện Lục Ngạn vẫn đang chạy đua với thời gian, tích cực di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ thiệt hại; phân công lực lượng tại các ngầm qua suối nước chảy siết, đảm bảo hạn chế thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân do mưa bão số 3 gây ra.
Công an Nam Định tập trung khắc phục hậu quả mưa bão
Tuy không thiệt hại về người song bão số 3 đã gây thiệt hại nặng về nông, lâm, diêm nghiệp và cây xanh tại Nam Định. Toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha lúa bị ảnh hưởng; 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Thiệt hại về cây bóng mát, hiện chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có hàng nghìn cây bị nghiêng ngả, gẫy, đổ. 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc. Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt.
|
Công an Nam Định khắc phục tình trạng hàng nghìn cây bị gãy đổ sau bão. |
Riêng địa bàn thành phố Nam Định, ước tính thiệt hại ban đầu, bão số 3 đã làm gẫy đổ 1.282 cây xanh gẫy, 19 cột điện, 03 cột đèn chiếu sáng, 30 biển báo giao thông.
Khối lượng công việc là vô cùng lớn, tuy nhiên, ngay trong đêm 07/9 và rạng sáng 08/9, lực lượng Công an các huyện và thành phố Nam Định đã nỗ lực bám trụ các tuyến đường để chặt tỉa, di dời các cây gẫy, đổ; di dời những vật cản giao thông; khôi phục giao thông và đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, cũng như đảm bảo an toàn cho những hộ dân phải di dời trước bão trở về nhà an toàn.
Học viện An ninh nhân dân huy động 500 học viên giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão
Phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là một trong những khu đô thị chịu nhiều thiệt hại với hàng trăm cây xanh cổ thụ đã đổ, gãy, bật gốc ngổn ngang; cảnh quan đô thị trở nên tan hoang sau cơn bão số 3.
|
500 sinh viên Học viện An ninh nhân dân xuống đường dọn dẹp vệ sinh, cây đổ sau mưa bão. |
Với tinh thần "Vì nhân dân phục vụ", "Khi dân cần, khi dân khó có công an", ngay sau khi bão tan, Học viện An ninh nhân dân đã nhanh chóng huy động 500 sinh viên tham hỗ trợ chính quyền và nhân dân phường Văn Quán dọn dẹp cảnh quan đô thị, khắc phục hậu quả do cơn bão lịch sử để lại.
Tình người trong bão lũ
Tối 7/9, nhiều người dân đi trên đường khu vực Mễ Trì đã bị mưa bão “cầm chân” giữa đường, không đi nổi. Lúc này, các CBCS của Công an phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) nhanh chóng có mặt, đưa những người dân gặp nạn vào trụ sở đơn vị để tránh bão, chăm sóc, sơ cứu vết thương và những bát mì đơn sơ do chính các “anh nuôi”, “chị nuôi” là CBCS của đơn vị nấu phục vụ nhân dân ấm áp tình quân dân lúc hoạn nạn, khó khăn.
Tại Hải Phòng, trong quá trình tuần tra trên tuyến đường Lạch Tray, CSGT Hải Phòng đã phát hiện trước cây xăng Đồng Quốc Bình có 1 phụ nữ mang thai điều khiển mô tô bị gió to làm ngã. Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an Hải Phòng đã kịp thời hỗ trợ gửi phương tiện của người bị nạn vào cây xăng gần đó và trực tiếp dùng xe ô tô CSGT chở người bị nạn về nhà an toàn.
Đêm 7/9, Tổ công tác số 7 Công an huyện Lương Sơn và Công an xã Cao Dương (tỉnh Hòa Bình) đã kịp thời cứu vợ chồng anh Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1992) và chị Đinh Thị Trinh (sinh năm 1007), trú tại xã Cao Dương bị cô lập giữa dòng nước lũ chảy xiết, đặc biệt người vợ đang mang thai tháng thứ 6 đảm bảo an toàn.