Tham dự Hội nghị, có đại diện các cơ quan báo chí, các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh...
|
Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa phát biểu khai mạc tại buổi họp báo. |
Thông tin tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết: Luật số 23/2023/QH15 được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 24/6/2023 tại Kỳ họp thứ 5 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 đã góp phần đơn giản hoá, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo thuận lợi cho cơ quan tổ chức, người nước ngoài và người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, Luật số 23/2023/QH15 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và 10 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) với 4 nhóm nội dung: “Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử”; “Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”; “Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam”; “Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.
|
Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa thông tin những điểm mới của Luật số 23/2023/QH15. |
Cụ thể, Luật số 23/2023/QH15 đã bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh. Đồng thời, Luật đã bãi bỏ quy định về việc hộ chiếu còn hạn từ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh vì theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, hộ chiếu còn hạn từ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh, đề phòng phía nước ngoài không cho nhập cảnh. Tuy nhiên, quy định này đôi khi gây khó khăn cho công dân, đặc biệt đối với các trường hợp mặc dù có hộ chiếu hạn không đủ 6 tháng nhưng có thị thực nhập cảnh nước ngoài hoặc được định cư ở nước ngoài vẫn được phía nước ngoài cho nhập cảnh.
Bên cạnh đó, Luật số 23/2023/QH15 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú. Theo đó Luật đã quy định Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú; phối hợp Bộ Ngoại giao đề xuất ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
|
Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh trả lời câu hỏi tại buổi họp báo. |
Ngoài ra, Luật số 23/2023/QH15 đã quy định nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày; quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần (quy định trước đây, thị thực điện tử có giá trị một lần). Luật cũng đã nâng hạng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật…
Thông tin về kết quả thực hiện Luật số 23/2023/QH15, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa cho biết, sau khi có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, quá trình thực hiện đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị thực hiện tích hợp 40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong đó, một số thủ tục đã đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến rất cao như cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử ở trong nước (89,1%), đăng ký tài khoản điện tử (100%), gia hạn tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện tại Cục (69,31%); kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép xuất nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam qua giao dịch điện tử trên Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh (92,54%).
|
Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh trả lời câu hỏi tại buổi họp báo. |
Sau 15 ngày Luật số 23/2023/QH15 có hiệu lực (từ ngày 15/8 đến 30/8) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 127 của Chính phủ, đã có 112.058 hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử, tăng trên 70% so với trước khi Luật số 23/2023/QH15 có hiệu lực. Từ 15/8/2023 đến 30/8/2023, đã có 337.669 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, chiếm 70% tổng lưu lượng nhập cảnh, tập trung vào công dân một số quốc gia, như Hàn Quốc (155.000 lượt), Nhật Bản (30.000 lượt), Anh (8000 lượt)... Việc triển khai thực hiện nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày theo quy định của Luật số 23 và Nghị quyết số 128 đã tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế lựa chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.
Đối với việc sử dụng cổng Autogate, đến ngày 30/8/2023, đã có 750.000 trường hợp đủ điều kiện sử dụng cổng Autogate và giải quyết cho 30.000 lượt công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng Autogate. Hệ thống Autogate đã đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh cho công dân Việt Nam, người nước ngoài được nhanh chóng, thuận lợi, nhận được ủng hộ, đánh giá cao của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan…
|
|
Phóng viên của một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo. |
|
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã trả lời một số câu hỏi của cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân còn băn khoăn liên quan đến việc triển khai Luật số 23/2023/QH15 và việc áp dụng cổng Autogate...