Gần 20 năm gắn bó với Trại tạm giam Công an tỉnh, Trung tá - Bác sĩ Trần Văn Ngọc - Bệnh xá trưởng của Trại đã chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm can, phạm nhân. Bác sỹ Ngọc luôn tâm niệm: “Đã là y, bác sỹ thì nhiệm vụ quan trọng nhất là cứu người, không cần phải phân biệt người đó là ai. Những phạm nhân đang cải tạo ở đây là những người đã phạm tội, đang chịu sự trừng phạt của pháp luật. Khi đã nhận ra sai lầm của mình, họ đáng thương hơn đáng trách. Khi đến với chúng tôi, họ là những bệnh nhân và nhiệm vụ của người thầy thuốc là làm tròn bổn phận, trách nhiệm với tinh thần “lương y như từ mẫu”.
|
Bác sĩ Trần Văn Ngọc khám bệnh và động viên phạm nhân Nguyễn Văn Tuyến. |
Luôn tâm niệm như vậy nên dù khối lượng công việc nhiều, lại có tính chất đặc thù nhưng bác sĩ Trần Văn Ngọc cùng với các cán bộ y tế Trại tạm giam Công an tỉnh vẫn luôn nỗ lực nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong trại tạm giam, những phạm nhân nghiện ma túy không phải là ít, có cả những phạm nhận bị nhiễm HIV, lao phổi… Điển hình là phạm nhân Nguyễn Văn Tuyến (sinh năm 1974, ở huyện Sông Lô) là một trong những phạm nhân “bệnh chồng bệnh” đặc biệt nhất ở bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh. Tàng trữ trái phép chất ma túy, Nguyễn Văn Tuyến bị tuyên phạt 18 tháng tù giam. Không chỉ bị nhiễm H, Nguyễn Văn Tuyến còn có nhiều bệnh nền khác. Lúc mới vào trại tạm giam, vừa Tuyến vừa bị những cơn nghiện hành hạ, vừa ốm đau kiệt quệ, Ban Giám thị Trại cùng các y bác sĩ phải thường xuyên thăm khám, đưa đi bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương để chạy chữa, phẫu thuật. 2 tháng nằm điều trị tại bệnh viện, cũng chính các y bác sỹ trong Trại đã thay nhau chăm sóc chu đáo cho anh.
Được khỏe mạnh như ngày hôm nay, người đàn ông ở độ tuổi ngũ thập này rất cảm động và biết ơn các y bác sĩ nơi đây. Anh chia sẻ: “Khi tôi ở bệnh viện về thì vẫn luôn được các bác sỹ chăm sóc thay băng và rửa vết thương hàng ngày. Tôi vô cùng biết ơn các bác sỹ và lãnh đạo Giám thị Trại. Tôi xin hứa khi hết thời gian thi hành án, tôi sẽ sống lương thiện, làm nhiều nhiều việc tốt”.
Không ít trường hợp ra tù vào tội, lại mắc trọng bệnh không nhận được sự quan tâm của gia đình, các cán bộ y tế trong Trại đã trở thành người thân chăm sóc họ. Nhiều phạm nhân ốm nặng, có suy nghĩ tiêu cực, các y, bác sĩ phải giám sát, động viên để họ uống thuốc. Lấy tình thương để cảm hóa, giáo dục giúp họ cải tạo tốt, sớm hoàn lương. Từ chỗ đối đầu, bất hợp tác, các can, phạm nhân dần xem cán bộ y tế như người thân.
Đại tá Tạ Văn Hùng, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: “Thời gian bị tạm giữ hình sự, bị tạm giam để điều tra, hoặc đã kết thúc điều tra, nhưng chờ truy tố, xét xử, đối với những người có sẵn bệnh lý thường bị suy sụp tinh thần, sức khỏe, rồi ốm đau. Diễn biến tâm lý của họ rất phức tạp và khó lường. Đối với những trường hợp như vậy, các y, bác sĩ trong Trại đã linh hoạt nhiều biện pháp, kịp thời có mặt chăm sóc sức khỏe, chia sẻ, động viên để họ hiểu thấy được “con đường sáng”, sống và làm việc theo pháp luật, sống có ích cho gia đình và xã hội, chấp hành quy định của Trại để chờ ngày xét xử”.
Sẽ không thể kể hết những khó khăn mà các y bác sỹ trong Trại tam giam phải đối mặt. Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn đó, với tình thương, trách nhiệm và bản lĩnh, ý chí kiên cường, những người thầy thuốc đeo trên vai cặp quân hàm đỏ nguyện sẽ tận tụy với nghề, cống hiến hết mình trên trận tuyến cứu người…