Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự

15/06/2022
Lượt xem: 6286
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) (16/6/1967 – 16/6/2022), Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” Trung ương đã có bài viết: "Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT)". Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thứ trưởng.

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng và Bác Hồ kính yêu “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ…”, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh của quần chúng Nhân dân, xây dựng các mô hình, điển hình trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an nhân dân đã tổ chức cuộc vận động với khẩu hiệu “3 không” ở miền Bắc, phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ ANTT thôn, xóm ở miền Nam; trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào và các cuộc vận động Nhân dân đã có bước phát triển sâu rộng ở khắp các địa bàn như: Phong trào “Bảo vệ trị an” ngoài xã hội và “Bảo mật phòng gian” để xây dựng cơ quan, đơn vị, xí nghiệp an toàn. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất phong trào, các cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ ANTT thành Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ và nay là Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Phong trào đã có những bước phát triển sâu rộng, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia, qua đó phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn, vai trò làm chủ của Nhân dân trong bảo đảm ANTT, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, điển hình như: Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”… Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chú trọng sơ kết, tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo từng giai đoạn, như: Đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thời kỳ đổi mới giai đoạn 1986 - 2000; tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998 - 2008; tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2006 - 2018 và gần đây nhất, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Gặp mặt tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2015-2020 … 

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trao Bằng khen của Bộ Công an tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thuộc lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ


Qua đó, công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã có nhiều kết quả tích cực. Đến nay trên cả nước có hơn 3.600 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với nhiều tên gọi khác nhau, tập trung vào 4 nhóm mô hình tiêu biểu, gồm: (1) Nhóm mô hình mang tính mục tiêu, khẩu hiệu (như: “An toàn về ANTT”,“3 phòng”, “3 không”...); (2) Nhóm mô hình tư vấn chỉ đạo (các Ban Chỉ đạo, Hội đồng bảo vệ ANTT...); (3) Nhóm mô hình dạng liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức bảo vệ ANTT; (4) Nhóm mô hình tổ chức quần chúng tự quản về ANTT (Bảo vệ dân phố; Dân phòng; Tổ, Đội tự quản ANTT; Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; Tổ tuần tra nhân dân...). Nhiều mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở có tính xã hội hóa cao được triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước, được Nhân dân đồng tình, tích cực tham gia và đem lại hiệu quả thiết thực, nổi bật như: Mô hình “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về ANTT”, Mô hình “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT”, “Dòng họ, tộc họ tự quản về ANTT”; “Tổ, nhóm liên gia tự quản về ANTT”; “Camera phòng, chống tội phạm”… Từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, đặc biệt là đã xuất hiện nhiều tấm gương quần chúng dũng cảm, mưu trí, không ngại hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh khi đấu tranh với tội phạm, tiêu biểu như: anh Nguyễn Văn Thắng, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách (Hải Dương) dũng cảm truy bắt cướp, đã hy sinh và được công nhận là Liệt sỹ; ông Dương Văn Thược, anh Lê Thanh Bình, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hy sinh khi làm nhiệm vụ chống khai thác cát trái phép trên sông Kiến Giang…

Qua đó, có thể khẳng định công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có ý nghĩa, tác dụng hết sức to lớn, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển, là một trong những cơ sở thực tiễn để lực lượng Công an tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chỉ đạo về công tác bảo vệ ANTT, xây dựng củng cố thế trận an ninh nhân dân và nền an ninh nhân dân vững chắc, đồng thời qua đó phát huy được vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của Nhân dân trong bảo đảm ANTT.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, đó là: Mô hình, điển hình tiên tiến phát triển chưa đồng đều; có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, nhiều mô hình thiếu thiết thực; một số mô hình hình thành tự phát, chưa được quan tâm chỉ đạo, quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn; công tác kiểm tra, hướng dẫn chưa được quan tâm đúng mức; việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc có nơi, có lúc chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do: một số cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến nên chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt; Công an một số đơn vị, địa phương chưa thực sự làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân có nơi, có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho công tác này còn hạn chế...

Từ thực tiễn công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, do lực lượng Công an làm nòng cốt. Thực tế cho thấy nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể thì phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến ở đó phát triển mạnh mẽ.

Hai là, công tác tuyên truyền về mô hình, điển hình tiên tiến phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể; phát huy tối đa ưu thế của các phương tiện thông tin đại chúng, các tiện ích của mạng xã hội; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến.

Ba là, việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến phải bám sát nhiệm vụ bảo đảm ANTT, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Quá trình tổ chức xây dựng phải đặt ra chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Chú trọng sơ kết, tổng kết, kịp thời bổ sung, điều chỉnh nội dung phù hợp; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phổ biến những mô hình hay, cách làm sáng tạo để các đơn vị, địa phương nghiên cứu, vận dụng.

Bốn là, lồng ghép công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó tạo mọi điều kiện cho Nhân dân phát huy vai trò làm chủ, năng lực sáng tạo, tạo nền tảng để mô hình phát triển bền vững, phong phú đa dạng, không ngừng được đổi mới, và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. 

Lực lượng Công an xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng, Hà Nam) tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia Bầu cử Quốc hội khóa XV; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tháng 3/2021.


Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục gia tăng. Ở trong nước, các yếu tố phức tạp về ANTT còn tiềm ẩn; công tác bảo đảm an ninh quốc gia đặt ra nhiều vấn đề mới hơn. Các thế lực thù địch, phản động, tội phạm tiếp tục lợi dụng không gian mạng, vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, tôn giáo, dân tộc... để kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ. Trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, một số tội phạm có xu hướng gia tăng tính chất, mức độ nguy hiểm hơn, với các thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói riêng nhằm góp phần phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong bảo đảm ANTT, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trọng tâm là: Kết luận số 44-KL/TW ngày 22-01-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới"; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, của Bộ Chính trị Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 15-KL/TW, ngày 30-9-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới…

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và của Nhân dân đối với công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Qua đó, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để có kế hoạch duy trì các mô hình đạt hiệu quả, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình hoạt động trung bình hoặc còn yếu. Nghiên cứu, xây dựng mô hình mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn; thanh loại những mô hình không còn tác dụng, kém hiệu quả. Tập trung xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, trong vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm, khu đô thị tập trung theo hướng xã hội hóa ngày càng cao; tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường.

Thứ tư, tăng cường quan hệ phối hợp với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tập trung thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên tịch, liên ngành đã ký kết về công tác bảo đảm ANTT. Lồng ghép công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với việc xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội và việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở từng đơn vị, địa phương.

Thứ năm, làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở... Lựa chọn những người có năng lực phẩm chất tốt để bổ sung cho đội ngũ Công an xã bán chuyên trách tiếp tục tham gia bảo đảm ANTT ở địa bàn xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Chú trọng bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và kỹ năng công tác bảo đảm ANTT để đội ngũ này có khả năng hỗ trợ tốt cho lực lượng Công an nhân dân. Kịp thời động viên khen thưởng, đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo đảm ANTT.

Thứ sáu, tăng cường nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tham mưu chính quyền địa phương quan tâm bố trí kinh phí phục vụ xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; nhất là chính sách đối với người tham gia các mô hình, các điển hình tiên tiến, nhất là người bị thương, hy sinh, thiệt hại về tài sản khi tham gia bảo đảm ANTT, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội./. 

 

Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website