Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu và các nhà khoa học, tổng kết Hội thảo, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng trong quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tiếp tục khẳng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra cấp bách.
Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc được kiểm nghiệm và phát huy giá trị dẫn đường, góp phần xây dựng đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội thảo. |
Bộ trưởng Tô Lâm phân tích, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình không chỉ là đối phó với hành động vũ trang xâm lược của kẻ địch từ bên ngoài, mà còn phải đặc biệt chăm lo xây dựng và giữ vững bên trong, đối phó với những thủ đoạn hoạt động phi vũ trang của dịch. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, đó là “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đã khắc phục sự phiến diện trong tư duy chỉ nhấn mạnh đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; khắc phục những quan niệm một chiều, giản đơn về bảo vệ Tổ quốc, chủ yếu tập trung vào các giải pháp quân sự, chuẩn bị để đánh thắng chiến tranh xâm lược quy mô lớn.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang mà là sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chế độ, lấy sức mạnh kinh tế, chính trị làm cơ sở; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh lòng dân, niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa quốc phòng với an ninh, kinh tế, đối ngoại và các lĩnh vực khác. Quan điểm chỉ đạo về bảo vệ Tổ quốc là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là lợi ích cao nhất; sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định; kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của các cấp, các ngành...
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bao gồm: Bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Nhiệm vụ về văn hóa; Nhiệm vụ về phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực; Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Nhiệm vụ về đối ngoại…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, các thế lực thù địch thay đổi chiến lược và phương thức chống phá ta, sử dụng phương thức khác nhau để can thiệp vào nội bộ nước ta. Do vậy, phương thức đấu tranh phi vũ trang ngày càng giữ vị trí quan trọng; đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá là những phương thức để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, liên tục được hoàn thiện qua các kỳ Đại hội Đảng và cần tiếp tục nhấn mạnh trong Nghị quyết mới về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình thế giới, khu vực đang có những thay đổi mang tính thời đại, đặt ra yêu cầu rất cao về việc xác định quan điểm, tư duy, nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và “chủ động tạo ra thời cơ”, tranh thủ mặt thuận lợi để thu hút các nguồn lực phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những nhân tố có thể gây đột biến, bất lợi từ bên trong đang gia tăng, đặt ra yêu cầu rất cao đối với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân so với 10 năm trước đây. Những vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, tác động đa chiều, trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội, thậm chí thách thức, đe dọa an ninh toàn cầu, không chỉ giới hạn đối tượng bảo vệ chính là lãnh thổ, nhà nước (an ninh truyền thống) mà còn nhấn mạnh bảo vệ con người, có thể chuyển hóa thành an ninh truyền thống.
|
Qua tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và thực tiễn tình hình thế giới, khu vực, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra rất cấp bách. |
Thực tế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi phương thức hoạt động quân sự, an ninh của các nước trên nhiều khía cạnh khác nhau. Chiến tranh trên không gian mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trở thành vấn đề lợi ích cốt lõi, có tính cấp bách mà mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều đang phải đối mặt, xử lý. Đặt ra yêu cầu việc xác định nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết mới về xác lập chủ quyền không gian mạng quốc gia, chủ quyền không gian vũ trụ…
Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi bổ sung, làm rõ hơn, linh hoạt hơn quan điểm đối tác, đối tượng; đồng thời bổ sung quan điểm về lợi ích quốc gia, dân tộc cơ bản, lợi ích quốc gia cốt lõi, tạo cơ sở để xác định đúng đắn những vấn đề ưu tiên, cốt lõi cần phải bảo vệ, đề ra các giải thực hiện một chính sách, chiến lược cụ thể.
Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa khẳng định, tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc lần này ở thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tình hình thế giới, khu vực, thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã có rất nhiều thay đổi so với 10 năm trước đây, nhiều thuận lợi, thời cơ, song cũng xuất hiện không ít nguy cơ, thách thức mới đối với bảo vệ Tổ quốc. Việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc của các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu góp phần quan trọng thống nhất nhận thức về tính cấp bách trong việc tham mưu với Đảng đề ra, xác định tầm nhìn mới, tư duy mới, nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc trong Nghị quyết mới trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII.