Điển hình vào ngày 17/5/2022, tại tuyến kênh Lấp Vò- Sa Đéc thuộc thủy phận khóm Hòa Khánh, phường 2, thành phố Sa Đéc, tổ tuần tra kiểm soát Trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Văn Tuyết Giao, sinh năm 1975 và Lê Phước Quân, sinh năm 1980, cùng ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép. Tang vật tạm giữ trong 02 vụ khai thác thủy sản trái phép trên gồm: 02 vỏ lãi, 02 bình ắc quy, 02 bộ kích điện, 02 vợt có nối dây điện, 01 máy đuôi tôm. Tổ tiến hành lập biên bản giao 02 vụ việc trên cho Công an phường 2 Thành phố Sa Đéc làm rõ, xử lý.
Nói về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng khai thác thủy sản trái phép hiện nay, Trung tá Nguyễn Văn Trãi, Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc, phòng Cảnh sát giao thông Công an Đồng Tháp thông tin: Phương thức thủ đoạn của các đối tượng này là thường dùng bình acquy cộng với bộ kích điện, hay máy phát điện, đi mô phát điện trực tiếp gắn vào dàn cào, xiệc điện trực tiếp trên tuyến sông để đánh bắt thủy sản trái phép. Trong quá trình xử lý các đối tượng này khó khăn, nhất là khi phát hiện lực lượng tuần tra thì đối tượng đã tháo gỡ các dụng cụ thiết bị như: bình acquy, bộ kích điện phi tang nhằm tránh né hành vi vi phạm của mình.
|
Tàu ghe bị lực lượng Công an tạm giữ. |
Tình hình người dân sử dụng xung điện để đánh bắt trên tuyến và các nhánh sông Tiền, sông Hậu vẫn còn xảy ra, gây dư luận xấu. Việc người dân sử dụng xung điện để đánh bắt là hình thức khai thác kiểu “tận diệt”, hủy diệt. Vì khi dùng kích điện tạo dòng điện mạnh, sẽ làm chết hoặc tê liệt các loài thủy sản, thậm chí gây dị tật, vô sinh làm mất cân bằng sinh thái.
Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, bên cạnh công tác phối hợp tuần tra kiểm soát phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính là phạt là từ 03 đến 05 triệu đồng, cho lần đầu vi phạm, nếu tái phạm mức cao nhất là 05 tiệu đồng, đối với đối tượng tái phạm nhiều lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Tính từ ngày 17/5/2022 đến ngày 20/5/2022, Trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc đã phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường, Công an phường, xã phát hiện, bắt giữ 04 vụ, 07 đối tượng khai thác thủy sản trái phép.
Song song với công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện, bắt giữ các vụ khai thác thủy sản trái phép, Trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân sống ven sông, cũng như các đối tượng đánh bắt trên tuyến, hiểu được tác hại nguy hại, lợi ích của việc đánh bắt không dùng kích điện để đánh bắt thủy sản, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự giao nộp xung điện dùng để đánh bắt cá trái phép trên địa bàn. Khuyến khích người dân đánh bắt, khai thác thủy sản theo cách thông thường, thủ công nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài,.
Ông Huỳnh Văn Huy- người dân trước đây đã từng sử dụng điện để khai thác thủy sản trái phép, qua tuyên truyền của lực lượng Công an, ông đã ý thức được tác hại của hành vi này đối với môi trường, nên đã từ bỏ cào điện, chuyển sang cào không, cào Thái hay còn gọi là cào Xiêm để đánh bắt thủy sản, ông Huy cho biết: Bây giờ bà con, anh em đồng lòng không cào điện nữa để cho nguồn thủy sản dồi dào trở lại.
Qua thực tế cho thấy, tác hại của các thiết bị phương tiện như: xung điện, kích điện, cào điện không chỉ nguy hiểm đến tính mạng cuả người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến người dân xung quanh khu vực khai thác, gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản, kế đến là tận diệt các loại cá con cũng như là cá bố mẹ.
Do vậy thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tập trung đấu tranh với các đối tượng sử dụng ghe cào, ghe đẩy có kết nối máy phát điện, dòng điện, xung điện, kích điện hoặc xiệc điện để khai thác, đánh bắt thủy sản trên tuyến sông Tiền, sông Hậu, kênh Sa Đéc- Lấp Vò, Lai Vung- Lấp Vò- TP. Sa Đéc, huyện Châu Thành và các tuyến nội đồng trên địa bàn.
Trung tá Nguyễn Văn Trãi, Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc, phòng Cảnh sát giao thông thông tin thêm: Để bảo vệ môi trường an toàn trong thời gian tới, vì môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản, chúng tôi sẽ chủ động nắm bắt tình hình, duy trì công tác tuần tra kiểm soát với các ngành chức năng để tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng dùng xung điện, kích điện khai thác thủy sản trái phép bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân có nghi vấn sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép và cho người dân viết cam kết không vi phạm về lĩnh vực khai thác thủy sản trái phép.