Là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, huyện Mường Lát có 213,6 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đây là huyện còn nhiều khó khăn nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa hơn 250km, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có tới 90% là đồng bào dân tộc Thái và dân tộc Mông.
Do tập tục, thói quen về môi trường sinh sống, nhiều người dân trên địa bàn huyện thường lưu giữ và sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn mưu sinh, bảo vệ mùa màng. Chính từ đó mà đã xảy ra không ít vụ án đau lòng, cướp đi sinh mạng của không ít người. Một trong những vụ án như vậy đã xảy ra cách đây 4 năm tại bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh đã và đang là nỗi ám ảnh của nhiều người. Chỉ vì thường xuyên rượu chè và bị vợ nhắc nhở mà Phạm Văn Vạn (42 tuổi) đã sinh ra ấm ức. Sẵn có súng săn (súng kíp) giấu trong nhà, Vạn đã mang ra và bắn chết vợ, sau đó dùng chính khẩu súng này tự sát để lại 3 đứa con bơ vơ không nơi nương tựa. Vụ việc không chỉ để lại nỗi đau khôn nguôi cho 3 người con, người thân của họ, mà còn để lại sự bàng hoàng cho nhiều người.
Mỗi năm riêng Công an huyện Mường Lát đều vận động Nhân dân tự giác giao nộp, thu hồi hàng trăm khẩu súng săn, súng tự chế các loại. Tuy nhiên, do dễ chế tạo, lại là khu vực giáp biên nên việc người dân mua bán, trao đổi vẫn còn diễn ra. Với sự quản lý chặt của các lực lượng chức năng, để đối phó các đối tượng cũng thay đổi thủ đoạn cất giấu, như cất giấu trong rừng, trên nương, trên rẫy khi cần mới lấy ra sử dụng. Việc tàng trữ, sử dụng các loại súng săn, súng tự chế là rất nguy hiểm, nó là vũ khí để các đối tượng tội phạm (đặc biệt là tội phạm về ma túy) sử dụng để chống trả lại lực lượng chức năng, thậm chí cả người dân vô tội khi bị phát hiện; hoặc sử dụng để giải quyết thù tức, mâu thuẫn trong cuộc sống dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng… mà nhiều vụ việc xảy ra đã chứng minh.
Thay đổi cách làm, cách tiếp cận
Trước tình hình đó, ngoài tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo những hậu quả, tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK,VLN,CCHT) và vận động Nhân dân tự giác giao nộp, Công an huyện Mường Lát đã tham mưu cho cấp ủy – chính quyền huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó thay đổi cách làm, cách tiếp cận để nâng cao hiệu quả công tác vận động, thu hồi VK,VLN,CCHT. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác nắm chắc tình hình để có các biện pháp tham mưu, đề xuất nâng cao hiệu quả việc vận động, thu hồi; đối với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có mặt tại Công an xã Mường Chanh, huyện Mường Lát vào ngày giáp Tết Nguyên đán khi người dân đang chuẩn bị đón một năm mới với nhiều niềm tin và hi vọng. Nhắc lại câu chuyện Phạm Văn Vạn dùng súng tự chế bắn chết vợ rồi tự sát, anh Lương Văn Điệp, ở bản Chai, xã Mường Chanh vẫn còn chưa hết bàng hoàng, cho biết: Trước đây tôi cũng có sử dụng súng săn để thỉnh thoảng vào rừng săn con sóc, con cầy làm thức ăn cho gia đình. Từ khi nghe được vụ việc chồng dùng súng bắn chết vợ ở Piềng Tặt tôi sợ lắm nên đã mang giao nộp cho lực lượng chức năng, ba năm nay tôi không tàng trữ, hay sử dụng bất cứ loại súng gì nữa.
|
Để thu hồi được các loại súng săn, súng tự chế, lực lượng chức năng huyện Mường Lát nắm chắc tình hình, thay đổi cách làm, cách tiếp cận để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi |
Xã Mường Chanh có chung đường biên giới dài 22,5 ki lô mét giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); cả xã có 3.800 nhân khẩu (93,5% là dân tộc Thái) nên người dân sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn còn tương đối nhiều. Vừa đưa tôi đến bản Na Chừa để tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp VK,VLN,CCHT, Thượng úy Vi Văn Nhận, Trưởng Công an xã Mường Chanh vừa nói: Để tránh bị phát hiện, thu giữ, hiện nay nhiều người không cất giấu súng săn, súng tự chế trong nhà như trước đây nữa mà mang vào trong rừng giấu trong các bụi cây rậm rạp, trong hang đá, hoặc trong các chòi nương rẫy khiến cho công tác vận động thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Giờ để thu được một khẩu súng, chúng tôi phải nắm rất rõ ai còn tàng trữ, sử dụng và cất giấu ở đâu để có cách tiếp cận, vận động giao nộp một cách phù hợp, nếu như cố tình vi phạm, không giao nộp thì chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp để đấu tranh, xử lý. Bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp thực tiễn, trong năm 2021, Công an xã Mường Chanh đã vận động, thu hồi 21 súng săn, súng tự chế và nhiều hung khí nguy hiểm khác; xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp với tổng số tiền 6 triệu đồng đối với 2 đối tượng cố tình vi phạm, không chịu giao nộp.
Cũng như ở xã Mường Chanh, Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Lát đã luôn bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình trong Nhân dân, tranh thủ, phát huy sự ủng hộ, giúp đỡ của người có uy tín trong thôn, bản và trực tiếp đến các hộ dân để tuyên truyền, giải thích và vận động họ tự giác giao nộp vũ khí. Có gia đình nhiều lần vận động, thuyết phục vẫn không tự giác giao nộp, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an vẫn không nản lòng mà kiên trì vận động người thân trong gia đình, dòng họ cùng tham gia giải thích, thuyết phục. “Mưa dầm, thấm lâu”, nhiều người nhờ thế cũng nhận ra tác hại, hậu quả của việc tàng trữ, sử dụng VK, VLN, CCHT nên đã tự giác giao nộp cho lực lượng chức năng. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Mường Lát đã tiếp nhận, thu hồi 128 khẩu súng săn, súng tự chế và nhiều vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác; phát hiện 9 vụ, 9 đối tượng vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, xử phạt vi phạm hành chính gần 30 triệu đồng.
Đại úy Dương Văn Quỳnh, Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mường Lát cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp, cam kết không tự chế, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT và pháo, chúng tôi sẽ bám sát thực tế để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm liên quan đến VK, VLN, CCHT và pháo; tập trung rà soát, nắm chắc tình hình để phát hiện các đối tượng hình sự nguy hiểm, các đối tượng có biểu hiện phạm tội đang cất giấu các loại súng săn, súng tự chế để kiên quyết đấu tranh, xử lý; đối với các trường hợp người dân cất giấu trong rừng, trên nương rẫy chúng tôi sẽ tìm mọi cách để vận động giao nộp và củng cố hồ sơ, tài liệu, đến tận nơi cất giấu để lập biên bản xử lý vi phạm, thu gom để phòng ngừa tội phạm và những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm Nhâm Dần 2022, trong khí thế chuẩn bị tiễn năm cũ, đón chào năm mới với nhiều hi vọng mới, những bước chân thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Công an nơi biên cương vẫn ghi dấu tận các bản làng xa xôi nhất để triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, trong đó công tác thu hồi VK-VLN-CCHT và pháo là một trong những nhiệm vụ cũng rất quan trọng để giữ an toàn cho Nhân dân, giữ cho mùa Xuân bình yên nơi biên cương của Tổ quốc.