Thanh Hóa: Quyết liệt các giải pháp, xử lý hiệu quả tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông

18/03/2022
Lượt xem: 2021
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và các huyện lân cận, tình trạng thanh, thiếu niên, nhất là học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) diễn ra khá phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, từ cuối năm 2021 đến nay, Phòng Cảnh sát cơ động đã chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh liên tiếp mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng, chống đối, cản trở người thi hành công vụ.
Không thể mãi chỉ tuyên truyền, vận động
 
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên và học sinh là một trong những giải pháp quan trọng, hàng đầu, luôn được các cấp, các ngành và các lực lượng chức năng quan tâm. Hằng năm, các lực lượng Công an trong tỉnh đều có chương trình phối hợp với các Nhà trường để tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền pháp luật. Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của đại đa số học sinh đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh do ham chơi, thích thể hiện, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến TTATGT trên địa bàn.
 
Lực lượng công an đến tận nhà phối hợp với gia đình để quản lý, giáo dục, xử lý các “quái xế” vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ.

Thượng tá Lê Văn Tiên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch của Giám đốc, Phòng Cảnh sát cơ động đã chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Thanh Hóa triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, vừa tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm; vừa củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ đến tận nơi cư trú của các thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm để phối hợp với các gia đình quản lý, giáo dục, răn đe, xử lý nghiêm. Qua một thời gian triển khai, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý trên 300 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT, trong đó có trên 100 em là học sinh. Điều đó cho thấy, một bộ phận thanh, thiếu niên là học sinh vẫn đang phớt lờ các quy định của pháp luật, cố tình vi phạm các quy định về TTATGT. Cho nên đã đến lúc không thể mãi chỉ tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, mà cần phải có biện pháp mạnh hơn để giải quyết tận gốc vấn đề này.
 
Xác định công tác bảo đảm TTATGT không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Công an mà là của toàn xã hội, trong đó Nhà trường và gia đình đóng vai trò rất quan trọng, ngày 13/12/2021 Công an tỉnh đã có Công văn số 1718/CAT-PV01 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục và xử lý các trường hợp học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông.
 
Để cụ thể hóa các nội dung trên, sáng 10/3/2022, Phòng Cảnh sát cơ động đã phối hợp với Công an thành phố Thanh Hóa và Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn thành phố ra quân xử lý các trường hợp học sinh vi phạm TTATGT tại 05 trường THPT gồm: Trường Thi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Nguyễn Huệ. Chỉ sau hơn 02 giờ ra quân kiểm tra đột xuất tại một số điểm trông, giữ xe tự phát xung quanh khu vực cổng các trường, lực lượng chức năng đã phát hiện 70 trường hợp là học sinh điều khiển xe mô tô, xe máy trên 50 phân khối.
 
Lực lượng Công an phối hợp với các nhà trường xử lý các trường hợp vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ ngay tại khu vực các trường học.

Thượng tá Lê Văn Tiên cho biết thêm: Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với Công an thành phố Thanh Hóa để xử lý điểm, tạo hiệu ứng tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa vi phạm. Đối với các trường học, chúng tôi sẽ phối hợp để vừa tuyên truyền, nhắc nhở, vừa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng các điểm trông, giữ xe tự phát sẽ tổ chức cho các chủ hộ ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến trật tự đô thị, không giữ phương tiện trên 50 phân khối của những học sinh chưa đủ tuổi điều khiển. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh.   
 
Cần sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh
 
Trước tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm các quy định về TTATGT, các Nhà trường cũng đã có nhiều biện pháp để quản lý, nhắc nhở tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần… Cô giáo Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trường Thi, thành phố Thanh Hoá cho biết: Nhà trường rất ủng hộ chủ trương xử lý vi phạm TTATGT đối với những trường hợp học sinh vi phạm. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền đảm bảo TTATGT bằng nhiều hình thức như: Yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là phụ huynh không cho học sinh điều khiển phương tiện không đúng quy định của pháp luật; đối với học sinh đi phương tiện không đúng theo quy định thì chúng tôi không cho vào trường và có biện pháp xử lý nghiêm. Tuy nhiên, để đối phó, nhiều em học sinh không mang xe vào trường mà gửi ở ngoài khuôn viên Nhà trường. Do đó, công tác quản lý của Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là dựa vào ý thức tự giác của học sinh… 
 
Lực lượng Cảnh sát cơ động kiên quyết xử lý các trường hợp lạng lách, đánh võng, chống đối, cản trở người thi hành công vụ.

Trong khi đó, nhiều trường hợp học sinh bị lực lượng Công an xử lý đã gọi điện cầu cứu bố mẹ. Nhiều phụ huynh nghe con gọi điện đã phải bỏ dở công việc, vội vã đến để giải quyết. Chị N.T.M.T, có con học lớp 12 điều khiển xe máy thanh minh: Hằng ngày cháu vẫn đi xe đạp điện đến trường, nhưng hôm nay xe của cháu hỏng nên tôi cho cháu đi tạm xe máy của bố mẹ. Tôi thấy việc giao xe khi cháu chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện như vậy là sai, từ nay sẽ không để cháu đi nữa.
 
Một phụ huynh khác có con học lớp 11 điều khiển xe mô tô cũng phân bua: Nhà tôi cũng sắm xe đạp điện, nhưng cháu không chịu đi; xe máy này là của mẹ đi làm, nhưng cháu cứ lấy đi, bố mẹ nói mãi cũng chẳng nghe. Hôm nay, các anh làm như thế này tôi rất đồng tình, có khi như thế cháu mới biết sợ mà chấp hành.
 
Bên cạnh những phụ huynh thấy được hành vi sai phạm của con em mình, hứa sẽ quản lý, giáo dục không tái phạm, thì vẫn có những phụ huynh nuông chiều con, không những không chấp hành mà còn có thái độ chống đối, bao che cho hành vi vi phạm của con cái. Nhiều phụ huynh khi nhận được tin con bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm đã đến đôi co, lớn tiếng chống đối và nêu nhiều lý lẽ để cản trở việc xử lý của Tổ công tác, họ nêu rất nhiều lý do như: Đó là xe của mình, gửi tạm ở đó, nên các anh không có quyền xử lý; hay tôi đang uống nước ở quán bên cạnh, để xe ở đó, sao các anh lại giữ phương tiện của tôi…? Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đưa ra những bằng chứng xác thực như video clip, hình ảnh ghi lại hành vi vi phạm của con em mình trước đó thì họ mới miễn cưỡng chấp hành. 
 
Qua củng cố hồ sơ, chứng cứ, nhiều trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm bị xử lý nghiêm theo quy định.

“Chúng tôi đề nghị các phụ huynh, người thân của các cháu giúp đỡ chúng tôi để cùng khuyên can, nhắc nhở, quản lý con em, đặc biệt là không nuông chiều, giao phương tiện để các cháu điều khiển khi chưa đủ tuổi. Chúng tôi đã tính toán, thực hiện nhiều biện pháp, phương án để xử lý thanh, thiếu niên, đặc biệt là những thanh, thiếu niên “cá biệt” cố tình vi phạm TTATGT một cách an toàn nhất, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cũng như chính người vi phạm. Vì vậy, tôi cũng rất mong quý phụ huynh đồng tình, ủng hộ với cách làm của chúng tôi để cùng giải quyết tận gốc tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm TTATGT, có như vậy mới mong giảm thiểu được tai nạn giao thông, đảm bảo các em đến trường một cách an toàn” - Thượng tá Lê Văn Tiên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát cơ động cho biết thêm.
 
Từ cuối năm 2021 đến nay, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm TTATGT, đặc biệt là các biện pháp xử lý hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chống đối, cản trở người thi hành công vụ… Trong đó, ngoài việc truy bắt “nóng” trên các tuyến đường, Phòng Cảnh sát cơ động đã thành lập các Tổ công tác tiến hành điều tra cơ bản, lập hồ sơ, xác định rõ tên, tuổi, lý lịch, nơi thường trú, phương tiện điều khiển của các trường hợp thường xuyên vi phạm. Trên cơ sở đó, phân công cán bộ, chiến sỹ sử dụng phương tiện nghiệp vụ ghi lại hình ảnh vi phạm của các đối tượng để củng cố hồ sơ, tài liệu và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an cơ sở đến tận các gia đình để giáo dục, răn đe và xử lý nghiêm. Bằng biện pháp này, từ tháng 10/2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát cơ động đã bắt, xử lý trên 300 trường hợp vi phạm, trong đó, bắt, xử lý hơn 10 nhóm, gần 100 thanh, thiếu niên thường xuyên tụ tập điều khiển môtô, xe máy lạng lách, đánh võng, vi phạm các quy định về TTATGT, chống đối, cản trở người thi hành công vụ, làm tan rã, giải tán nhiều nhóm khác…

 

 

Đình Hợp
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website