Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn giáp ranh giữa Công an 07 tỉnh, thành phố

12/09/2022
Lượt xem: 2093
Chiều 12/9/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công an các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 303/QCPH ngày 29/10/2020 về bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) địa bàn giáp ranh giữa Công an 07 tỉnh, thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương; Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ và Công an 07 tỉnh, thành phố. Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh, Cụm trưởng chủ trì Hội nghị. 

Các đại biểu dự Hội nghị.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh, việc ký kết Quy chế phối hợp số 303 thể hiện quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng toàn thể lực lượng Công an 07 tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp đấu tranh, phòng chống với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các địa phương để hoạt động. Qua 02 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng công tác phối hợp giữa Công an các đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh/thành phố đến cấp xã/phường/thị trấn vẫn được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao hơn trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị sơ kết được tổ chức là dịp để lực lượng Công an 07 tỉnh, thành phố tập trung thảo luận, đánh giá lại tình hình, kết quả; những tồn tại, hạn chế và những nội dung cần bổ sung, điều chỉnh sau 02 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp…

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội nghị.

 

Trong 02 năm qua, Công an 07 địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục nghiệp vụ, Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân địa phương về công tác phòng, chống tội phạm; quán triệt, thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh chính trị, nhất là các Nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm vùng giáp ranh. Chủ động tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh tế; tập trung đẩy mạnh điều tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, tài chính, ngân hàng, buôn lậu và buôn bán hàng giả, tội phạm kinh tế, tham nhũng. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ANTT, tăng cường tối đa lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19…

Toàn cảnh Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất công tác phối hợp với Công an các tỉnh địa bàn giáp ranh trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm ma túy tuyến Tây Nam; tình hình, kết quả công tác 8 tháng đầu năm 2022 thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính trong lực lượng Công an nhân dân, nhất là dịch vụ công, căn cước công dân, kết nối dữ liệu, công nghệ số… Triển khai Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Phối hợp và làm tốt hơn nữa công tác truyền thông; gắn truyền thông với vận động quần chúng. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; tăng cường kết nối, chia sẻ giữa Công an 07 tỉnh, thành phố…

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận những kết quả mà Công an 07 tỉnh, thành phố đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ sát cánh cùng Công an 07 tỉnh, thành phố để kiểm soát, bảo đảm ANTT, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; lực lượng Công an phải thực hiện rất rõ ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo là góp phần phục hồi kinh tế, không làm cản trở những hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương.

 Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

 

Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền 07 địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm ANTT và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, góp phần xây dựng lực lượng Công an tại địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 12/NQ-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí, phương tiện để lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Tại Hội nghị, Công an TP. Hồ Chí Minh đã bàn giao vai trò Cụm trưởng cho Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Phương Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website