Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong lực lượng Công an nhân dân

07/06/2023
Hội thảo khoa học “Giá trị trường tồn của Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với lực lượng Công an nhân dân”do Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Công an đã chủ trì đã thành công tốt đẹp, thu được nhiều kết quả quan trọng.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, những người làm công tác thi đua, khen thưởng. Ban Tổ chức đã nhận được 134 bài tham luận với nhiều chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với từng đơn vị, địa phương. 

Các đại biểu dự Hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo.


Tại Hội thảo, nhiều tham luận đã làm rõ những vấn đề lý luận trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.

Tiêu biểu như GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã chỉ ra những giá trị nổi bật của văn kiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trong đó nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương huy động, lôi cuốn, thu hút toàn dân, toàn quốc tham gia vào thi đua, gây dựng phong trào xã hội thi đua. Đó là bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi của dân, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì cũng cần phải thi đua với nhau, làm cho tốt, làm cho nhiều. 

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận định: Mục đích của thi đua rất cao cả bởi thi đua đem lại “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, nhưng không phải cao xa, khó hiểu, khó làm mà trong công việc hằng ngày đều có thi đua. “Công việc hằng ngày” ở đây chính là những việc làm của mỗi người do xã hội phân công; là quá trình tham gia sản xuất, công tác của mỗi người nhằm đóng góp sức lực cho sự phát triển của xã hội.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.


Nhiều tham luận cũng đã nêu bật kết quả đạt được trong vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn các phong trào thi đua và công tác khen thưởng tại đơn vị, địa phương mình. 

Điển hình như Cục An ninh đối ngoại, trong những năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Cục An ninh đối ngoại đã tích cực hưởng ứng và chủ động tổ chức phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước với những cách làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Các phong trào đã tập hợp và cuốn hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia, tạo được chuyển biến to lớn trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mô hình hiệu quả trong công tác nghiệp vụ cơ bản…

Công tác thi đua tại Công an TP Đà Nẵng luôn song hành với các mô hình, phần việc hiệu quả. Trong năm 2022, Công an TP Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân” phát động trong 56 Công an phường, xã trên địa bàn thành phố; triển khai mô hình “Tổ chức lực lượng tuần tra, chốt chặn phòng, chống tội phạm” nay đã trở thành thương hiệu riêng, ấn tượng tốt đẹp, an bình trong lòng người dân thành phố Đà Nẵng; triển khai mô hình “Nhóm tuyên truyền phản bác” quy tụ 500 tài khoản mạng xã hội của Công an các đơn vị, địa phương tham gia vào công tác đấu tranh, tuyên truyền phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng… 

Đại diện các đơn vị tham luận tại Hội thảo.


Một số tham luận đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quán triệt và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh; chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân đối với công tác thi đua, khen thưởng trong CAND như tham luận của Công an tỉnh Lâm Đồng “Nêu gương là một biện pháp hiệu quả trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước”; tham luận của Học viện An ninh nhân dân “Cần, kiệm, liêm, chính – Nền tảng của thi đua ái quốc trong CAND”.... 

Bên cạnh đó,các đại biểu, nhà khoa học cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về một số chủ trương, chính sách đối với công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi đua khen thưởng nói chung và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong CAND nói riêng…

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài lực lượng CAND đã quan tâm, có các bài viết, tham luận sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm, bám sát nội dung Hội thảo. Qua Hội thảo sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND tiếp tục nâng cao nhận thức về thi đua yêu nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xác định rõ hơn vị trí, vai trò của phong trào thi đua; đồng thời tiếp tục khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực, nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay và trong những thời gian tiếp theo. 

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tổng kết Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tổng kết Hội thảo.


Để phát huy kết quả Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ và Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, tiếp thu tối đa các kiến nghị, đề xuất trong các bài viết tham luận gửi về Hội thảo, đặc biệt là các ý kiến tham luận tại Hội thảo để xây dựng báo cáo lãnh đạo Bộ phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng trong CAND thời gian tới…

 

Quang Khải
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website