Mỗi dịp chợ phiên, bà con nhân dân xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn lại nhìn thấy chiếc xe tuyên truyền lưu động của Công an xã trên khắp nẻo đường. Đây là phần mở đầu bằng tiếng Mông trong chương trình Truyền thanh số an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số cho đồng bào vùng biên. Mô hình này được Công an xã Sà Phìn triển khai thực hiện và duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo sự theo dõi của bà con nhân dân trong xã.
Sà Phìn là xã biên giới, có 11 thôn, 699 hộ với gần 3.700 nhân khẩu. Toàn xã có 100% đồng bào là người dân tộc Mông, gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí còn thấp, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ..., kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật.
 |
Công an xã Sà Phìn tổ chức tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường liên thôn bằng phương tiện ô tô, xe máy của Công an xã. |
Xác định đặc điểm, tình hình địa bàn, nhằm làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, Công an xã Sà Phìn đã đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền các kiến thức pháp luật bằng tiếng Mông cho người dân. Theo đó, lực lượng Công an xã chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên xã xây dựng, triển khai mô hình "Truyền thanh số an ninh trật tự". Định kỳ mỗi tuần, Công an xã phân công cán bộ xây dựng tài liệu tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đặc biệt là nội dung cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo xuất cảnh trái phép, tội phạm mua bán người, tội phạm trên các lĩnh vực xuất nhập cảnh, ma tuý, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... Sau đó chuyển tài liệu nêu trên cho Ban chấp hành Đoàn xã để tiến hành phiên dịch ra ngôn ngữ tiếng Mông (bản địa) và tiến hành thu âm thành file âm thanh dưới dạng mp3, mp4,...
Trên cơ sở tài liệu, file âm thanh được chuẩn bị, vào thứ ba hàng tuần, Công an xã Sà Phìn tổ chức tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường liên thôn bằng phương tiện ô tô, xe máy của Công an xã. Đồng thời, tận dụng lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở (loa phát thanh) tại các thôn để phát thanh, lan toả tài liệu tuyên truyền giúp người dân được tiếp cận nguồn thông tin chính thống bất cứ đâu, dễ dàng tiếp cận, tự trang bị kiến thức pháp luật cho mình và người thân, nâng cao đề phòng cảnh giác trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm.
 |
Tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số cho đồng bào vùng biên. |
Mô hình truyền thanh số an ninh trật tự khắc phục được khó khăn bất đồng ngôn ngữ, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ, từ đó thực hiện pháp luật một cách tự giác. Người dân cảm thấy tự hào hơn, khi được nghe bằng chính tiếng nói của dân tộc mình, qua đó tự giác thực hiện pháp luật. Góp phần giúp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.