Trong thời gian qua, tình hình chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm; nhiều vụ việc có nhiều người tham gia, sử dụng vũ khí, công cụ nguy hiểm để chống đối, tấn công người thi hành công vụ. Thực trạng này là rất đáng lo ngại, không những đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, còn thể hiện sự coi thường pháp luật, làm giảm hiệu lực quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước ở một số lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và lực lượng Công an nói riêng đã có nhiều cố gắng trong việc điều tra, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ và bảo vệ người thi hành công vụ.
Theo số liệu thống kê cho thấy từ năm 2005 đến hết năm 2009 toàn quốc xảy ra 2.373 vụ chống người thi hành công vụ, năm sau cao hơn năm trước (năm 2006 tăng 9,6%, năm 2007 tăng 19,9%, năm 2008 tăng 14,8%, năm 2009 tăng 11,9%). Riêng năm 2009 đã xảy ra 606 vụ tăng 11,9% so với năm 2008, trong đó chống lại lực lượng CAND thi hành nhiệm vụ tăng 85,5%, nhất là chống lại lực lượng Cảnh sát tiếp tục diễn ra rất nghiêm trọng và ngày càng gia tăng (riêng chống lại lực lượng CSGT xảy ra 97 vụ, làm 1 đồng chí hy sinh, 32 đồng chí bị thương). Trong 2 tháng năm 2010, tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 14% so với cùng kỳ năm 2009.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, cơ bản nổi lên một số nguyên nhân sau đây:
- Các đối tượng chống người thi hành công vụ hoạt động rất manh động và liều lĩnh; nhận thức về pháp luật còn hạn chế, coi thường pháp luật và các lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ; vì các động cơ cá nhân đã kích động, lôi kéo, tụ tập đông người để chống lại lực lượng thi hành công vụ, làm cho tình hình ANTT trở nên phức tạp.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân còn nhiều hạn chế; Các chế tài xử lý hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ để răn đe, giáo dục người phạm tội; trong một số vụ án, đối tượng có nhiều lần chống người thi hành công vụ thể hiện tính côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật nhưng chế tài xử lý chưa nghiêm khắc.
- Một số cán bộ trong khi làm nhiệm vụ đã có những lời nói, cử chỉ, hành động chưa đúng mực, thiếu văn hóa; chưa thực sự tôn trọng nhân dân mà còn tỏ ra hách dịch, cửa quyền, gây ra tâm lý ức chế, bức xúc cho công dân, vì thế dẫn đến việc chống lại những yêu cầu, đề nghị của lực lượng thi hành công vụ…
Để phòng ngừa, đấu tranh làm giảm và hạn chế đến mức thấp nhất đối với các hành vi chống người thi hành công vụ, Bộ Công an đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau đây:
- Tham mưu, giúp Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2010/NQ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội thay thế cho Nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực ANTT. Theo đó, tại điểm a, b khoản 3 điều 7 của Nghị định quy định các hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm đến danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; xúi giục người khác không chấp hành các yêu cầu của người thi hành công vụ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Nghiên cứu đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 257- Bộ Luật Hình sự theo hướng tăng thêm mức hình phạt đối với đối tượng có hành vi phạm tội chống người thi hành công vụ.
- Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng tội các hành vi chống người thi hành công vụ. Dự thảo Thông tư đang được khẩn trương hoàn thiện để trình lãnh đạo liên ngành ký, triển khai thực hiện.
- Tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm chống người thi hành công vụ nói riêng.
- Tất cả các vụ việc chống người thi thành công vụ đều phải được điều tra, củng cố chứng cứ, hồ sơ vững chắc và nhanh chóng đưa ra xử lý nghiêm khắc trước pháp luật. Kết quả xử lý phải được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến đến tất cả mọi người dân để lên án hành vi vi phạm, đồng thời giao cho chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cơ sở và gia đình quản lý, giáo dục người vi phạm không để tái phạm.