Tham dự phiên họp có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện đơn vị chỉ đạo điểm của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thành viên Tổ công tác; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an...
Bộ Công an gương mẫu, đi đầu hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, trong tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương triển khai Đề án 06 theo đúng lộ trình, đặc biệt Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 về phiên họp thường kỳ tháng 2/2022, trong đó có nội dung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 với 4 nhóm nhiệm vụ, là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án trong thời gian tới.
Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội trình bày báo cáo tại cuộc họp.
Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Bộ Công an với việc hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện.
Việc kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình, đến nay đã triển khai kết nối chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với đối với 8 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác. Qua việc kết nối đã xác thực, làm sạch nhiều dữ liệu có liên quan, phục vụ tích cực việc thực hiện các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của Đề án. Điển hình như: đã đồng bộ được 17,8 triệu thông tin Bảo hiểm xã hội để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay cho thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Tính đến ngày 18/4/2022, số lượng cơ sở đã sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh: 3.844/13.157 cơ sở (đạt tỷ lệ 29,2%). Số lượng công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh: 75.660 công dân...
Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Tô Lâm và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận về kết quả triển khai Đề án 06, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện tốt đề án thời gian tới.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, từ khi được chọn là đơn vị chỉ đạo điểm của Chính phủ trong triển khai thực hiện Đề án 06, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội thực sự coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo các cấp ngành quyết liệt triển khai theo yêu cầu đề ra; đến nay việc triển khai ở các quận huyện, xã, phường, thị trấn đạt 93,83%... Đối với trọng tâm của 5 nhóm tiện ích đề án nêu ra, thành phố Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của Tổ công tác, phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội hoàn thành 3/14 dịch vụ công trực tuyến và dự kiến sẽ hoàn thành 11 dịch vụ công còn lại trong tháng 5.
Chia sẻ về hai nhóm vướng mắc nội tại của thành phố Hà Nội trong triển khai thực hiện Đề án 06, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng mong muốn Tổ công tác và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, cộng đồng trách nhiệm, chủ động phối hợp với thành phố trong thực hiện đề án, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan số hóa hồ sơ, tài liệu điện tử, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các dữ liệu chuyên ngành... để bảo đảm tiến độ triển khai đề án theo yêu cầu.
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại cuộc họp.
Đề xuất mở rộng triển khai điểm ở một số địa phương
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương tinh thần quyết liệt triển khai đề án của Thường trực Tổ công tác, nhất là các đơn vị: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã tích cực phối hợp các cơ quan chuyên môn, ngày đêm tháo gỡ vướng mắc, khảo sát trực tiếp tại nhiều cụm địa bàn và có nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành để đôn đốc, thúc đẩy thực hiện Đề án. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử được đẩy mạnh, trong đó Bộ Công an đã rất tích cực phân cấp mạnh mẽ đến tận Công an cấp xã với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân...
Nhấn mạnh nhiệm vụ của đề án phía trước còn rất lớn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong tháng 5 và tháng 6/2022, trong đó một số nội dung công tác nguy cơ chậm tiến độ, một số "điểm nghẽn" cần tiếp tục được tháo gỡ, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí thành viên Tổ công tác thẳng thắn đánh giá rõ nguyên nhân của những công việc còn chậm tiến độ theo nội dung Đề án 06 và các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ; xác định lộ trình cụ thể để khắc phục tình trạng này. Đối với những công việc mặc dù chưa đến hạn, nhưng nhìn thấy trước nguy cơ chậm tiến độ cần đánh giá để có giải pháp khắc phục; tiếp tục bám sát lộ trình thực hiện đề án để đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các nội dung công việc theo đúng tiến độ đề ra. Trên cơ sở báo cáo của đại diện thành phố Hà Nội, các đồng chí thành viên Tổ công tác thuộc các Bộ, ngành trực tiếp giải đáp để Hà Nội thực hiện tốt đề án này...
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử đáp ứng quy chuẩn của đề án, tiến tới chỉ thực hiện duy nhất Cổng dịch vụ công duy nhất. Trong tháng 5/2022, quyết tâm thực hiện một số dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, cụ thể là: Việc cấp hộ chiếu cho công dân; việc đăng ký xe gắn máy tại Công an cấp xã đủ điều kiện; việc đăng ký thi trực tuyến... qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tạo hiệu ứng lan tỏa để người dân ủng hộ.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận cuộc họp.
Đại tướng Tô Lâm đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương bàn giao Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 cho Bộ Y tế, trao đổi thông tin thuê bao di động cho cơ quan Nhà nước; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện tái cấu trúc quy trình để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất...
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành hướng dẫn cho địa phương tái cấu trúc quy trình để triển khai cung cấp 4 dịch vụ công (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp) lên cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí/giá được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử để mở cơ chế cho phép cơ quan quản lý cung cấp dịch vụ dữ liệu dân cư cho cá nhân, tổ chức có tính phí, tạo nguồn thu để xây dựng, duy trì, quản trị và khai thác dữ liệu; bảo đảm minh bạch, an toàn và đúng pháp luật (phấn đấu hoàn thành trong Quý II/2022).
Bộ trưởng Tô Lâm giao cơ quan thường trực Tổ Công tác phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án đúng tiến độ, đồng thời tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định mở rộng triển khai điểm đối với một số địa phương...