Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, Công an các huyện, thị xã, thành phố và Trại tạm giam; thành lập Tiểu ban Chỉ đạo về đặc xá gồm 13 đồng chí do Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự làm Trưởng Tiểu ban. Trại tạm giam Công an tỉnh cũng niêm yết quyết định của Chủ tịch nước, công khai các điều kiện, thủ tục đặc xá cho phạm nhân; tổ chức tuyên truyền cho các phạm nhân làm đơn đặc xá, bảo đảm 100% phạm nhân đủ điều kiện được làm đơn xét duyệt.
Đến nay, Tiểu ban Chỉ đạo đặc xá của Công an tỉnh đã tổ chức xét duyệt 17 trường hợp đủ điều kiện gửi hồ sơ lên Tổ thẩm định liên ngành, Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương để đề nghị đặc xá. Những trường hợp được đặc xá bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Bên cạnh công tác xét duyệt hồ sơ đặc xá, dạy nghề cho phạm nhân là một trong hình thức giáo dục, nhằm giúp cho phạm nhân có một nghề nhất định trước khi trở về với gia đình và xã hội tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt để họ có ý thức lao động làm lại cuộc đời mà không tái phạm sai lầm trước đó. Đây được coi là việc làm mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người lầm đường, lạc lối cho họ cơ hội lao động để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Chính vì ý nghĩa đó, thời gian qua, Trại tạm giam Công an tỉnh đã phối hợp với một số sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định hướng việc làm và dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù; đồng thời hướng dẫn phạm nhân cách thực hiện các thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội…
|
Tổ chức giáo dục, định hướng, tư vấn việc làm cho phạm nhân chấp hành án. |
Mặt khác, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá; làm thẻ Căn cước cho người chưa có thẻ Căn cước hoặc bị mất, hư hỏng, nắm vững hoàn cảnh từng người được đặc xá trở về, gặp gỡ, động viên, giáo dục, giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng, tránh mặc cảm, xa lánh; nắm chắc tình hình, diễn biến của số người được đặc xá về cư trú tại địa phương, không để họ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có hành vi tái phạm tội và vi phạm pháp luật…
Đặc xá là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng, khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người phạm tội bị kết án phạt tù; khuyến khích người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, các đơn vị thuộc Công an tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao về công tác đặc xá, với mong muốn niềm vui chờ ngày đặc xá đợt Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ là “ánh sáng” hướng thiện cho khát vọng ngày trở về của những người một thời từng lầm lỗi.