Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ: Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18, các cấp, các ngành quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa bằng nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động với rất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).
|
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Công tác kiểm tra, đôn đốc được thực hiện thường xuyên ở các cấp. Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu Ban Bí thư sơ kết 03 năm, 05 năm và ban hành Kết luận số 45 ngày 01/02/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT) được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh với nhiều nội dung, biện pháp, hình thức phong phú, đa dạng.
Các cơ quan thông tin, truyền thông từ Trung ương đến địa phương xây dựng nhiều phóng sụ, tin, bài, phát các thông điệp an toàn giao thông.
Công tác quản lý nhà nước về TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm, chỉ đạo xây dựng, tạo hành lang pháp lý trong công tác bảo đảm TTATGT, đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 03 Luật, 55 Nghị định, 259 Thông tư, Thông tư liên tịch liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông và quản lý người điều khiển phương tiện, công tác đăng kiểm phương tiện có nhiều đổi mới, thuận lợi hơn đối với tổ chức, cá nhân; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, đẩy mạnh, tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp xảy ra các vụ TNGT, đặc biệt nghiêm trọng, đã xử lý hơn 40 triệu trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 27.000 tỷ đồng.
Công tác điều tra, giải quyết TNGT đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hơn 41.000 vụ, gần 42.000 bị can, qua điều tra đã làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời khắc phục những sơ hở, thiết sót trong công tác bảo đảm TTATGT.
Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã tăng cường chỉ đạo đầu tư, nâng cao năng lực, trình độ, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực, trình độ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc ngày càng hiện đại, đồng bộ.
Cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
Do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân nên tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức tự giác chấp hành quy định về bảo đảm TTATGT của người tham gia giao thông được nâng lên; TNGT được kiềm chế và giảm dần qua từng năm (so với 10 năm trước, TNGT giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết, giảm 44% số người bị thương; nếu năm 2012, TNGT đã làm gần 10.000 người chết thì đến năm 2022 số người chết đã giảm xuống gần 7.000 người, như vậy chúng ta đã kéo giảm được khoảng 3.000 người chết mỗi năm vì TNGT); ùn tắc giao thông được hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh mẽ; chất lượng vận tải ngày càng được nâng cao, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu quán triệt Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, quán triệt Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tại Chỉ thị số 23, Ban Bí thư đã thống nhất đánh giá: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng; một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; TNGT giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả hơn công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 04 mục tiêu, yêu cầu và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được nêu rất cụ thể tại Chỉ thị số 23.
Nhìn chung nội dung Chỉ thị số 23 là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong các giai đoạn trước đây cho phù hợp với tình hình mới; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm TTATGT trong cả 05 lĩnh vực giao thông, Đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải và hàng không (Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành năm 2012 chỉ giới hạn trong 03 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa).
Về mục tiêu: kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.
Đồng thời Chỉ thị xác định 04 yêu cầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, đó là: (1) Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; (2) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT; (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nâng cao đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước về TTATGT; (4) Huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong bảo đảm TTATGT.
|
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. |
Để đạt được những mục tiêu và yêu cầu nêu trên, Chỉ thị số 23-CT/TW xác định rõ 06 nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Nhóm thứ nhất: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT.
Nhóm thứ hai: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.
Nhóm thứ ba: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT.
Nhóm thứ tư: Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.
Nhóm thứ năm: Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT.
Nhóm thứ sáu: Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.