Bình yên quê hương đất Quảng - có chúng tôi Công an xã chính quy - Kỳ 4: Giữ cho bản, làng bình yên

23/01/2024
Tại các bản, làng vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Nam, tình trạng bà con, đồng bào sử dụng vũ khí thô sơ, súng tự chế để săn bắt cải thiện đời sống vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự. Để ngăn ngừa những hiểm họa từ vũ khí, vật liệu nổ, Công an chính quy tại cơ sở đã cực tích cực đi đến từng thôn bản, từng gia đình người dân, nhất là tranh thủ già làng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK,VLN,CCHT) còn tồn đọng, trôi nổi trong nhân dân.

Biết được thông tin anh Tơ Đến Hưng, thôn P. Ring, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang vừa mới nhặt được một khẩu súng hơi trong khi đi làm rẫy, Thiếu tá Nguyễn Xuân Bằng, Trưởng Công an xã Chà Vàl đã trực tiếp đến nhà để tuyên truyền, vận động anh Hưng tự nguyện giao nộp khẩu súng trên. 

Được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Công an, anh Hưng đã tự giác giao nộp. Anh Hưng cho biết: “Tôi đi làm rẫy, có nhặt được khẩu súng hơi, tôi đem về nhà với mục đích dùng để đi săn. Nhưng khi được sự tuyên truyền của các anh Công an xã về việc giữ súng như vậy là sai, nguy hiểm nên tôi đã đem nộp cho Công an xã”.

Thiếu tá Đinh Hữu Lê vận động nhân dân giao nộp súng tự chế.


Chà Vàl là xã miền núi của huyện Nam Giang với diện tích hơn 130km2, 95% dân số là người đồng bào Cơ Tu, sinh sống dựa nào nghề nương rẫy. Tình trạng người dân dùng vũ khí thô sơ, súng tự chế để săn bắt theo thói quen từ bao đời nay vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn những vấn đề phức tạp và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự địa bàn. Nhằm ngăn ngừa tình trạng này, lực lượng Công an xã đã tích cực nắm tình hình, tuyên truyền vận động đối với các cá nhân có nghi vấn cất giữ, sử dụng vũ khí trái phép kết hợp với việc tranh thủ già làng, người có uy tín ở địa phương để vận động nhân dân tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT. Nhờ được cán bộ, chiến sĩ Công an tuyên truyền, giải thích, bà con nhận thức được việc cất giữ, sử dụng vũ khí là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng nên đã tự giác giao nộp. 

Ông Bhnươch Ngôn, Bí thư Chi bộ thôn A Bát, xã Chà Vàl cho biết: “Trước đây, trên địa bàn thôn, bà con đồng bào thường sử dụng súng để đi săn theo thói quen, nhưng từ khi Công an chính quy về xã, tích cực tuyên truyền pháp luật, giúp bà con hiểu việc giữ súng tự chế tại nhà là sai, gây nhiều nguy hiểm nên bà con dần dần tự giác giao nộp cho Công an, chính quyền”.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Bằng, Trưởng Công an xã Chà Vàl cho biết thêm: “Qua công tác nắm tình hình địa bàn, chúng tôi lập danh sách người dân có nghi vấn cất giữ súng và tiến hành tuyên truyền vận động, cán bộ, chiến sĩ Công an xã đã đến từng nhà dân để nắm bắt tâm tư bà con, tuyên truyền vận động người dân về tác hại, những hệ lụy khó lường của việc cất giữ, sử dụng súng tự chế, công cụ hỗ trợ; qua đó người dân tự giác giao nộp. Chỉ riêng từ đầu đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, Công an xã Chà Vàl đã vận động nhân dân tự giác giao nộp 15 khẩu súng tự chế các loại, 01 kiếm, 01 bộ xung kích điện dùng để bắt cá và hàng chục viên đạn”.

Thiếu tá Đinh Hữu Lê vận động nhân dân giao nộp súng tự chế.
Người dân tự nguyện giao nộp súng tự chế cho Công an xã.


Xác định để làm tốt công tác vận động thu hồi VK, VLN, CCHT thì phải thay đổi được nhận thức của người dân, ngoài công tác đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán, sản xuất, tàng trữ VK, VLN, CCHT, lực lượng Công an cơ sở còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân. Để dân hiểu, dân đồng lòng thì cán bộ Công an xã phải bám địa bàn, thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào”.
Hơn 3 năm về xã Lăng biên giới của huyện miền núi Tây Giang, Đại úy Đinh Hữu Lê tranh thủ học tiếng đồng bào mọi lúc mọi nơi. Ở địa bàn 95% dân số là người dân tộc Cơ Tu, người chiến sĩ Công an này đã từng ngày thấm thía lời ăn tiếng nói của người dân nơi đây như một người con của thôn làng. 

Mới đây, nghe thông tin một thanh niên tại thôn Pơ’Nin đang cất giữ vũ khí tự chế, Đại úy Đinh Hữu Lê, Trưởng Công an xã Lăng cùng già làng và các cán bộ thôn đã đến tận nơi để vận động thu hồi. Nhờ vốn tiếng Cơ Tu tự học được từ khi về nhận công tác tại xã Lăng, Đại úy Đinh Hữu Lê đã giải thích bằng tiếng Cơ Tu cho thanh niên biết việc sử dụng súng là không đúng với pháp luật. Sử dụng súng sẽ dẫn đến bắn nhầm người khác, kể cho thanh niên này biết một số trường hợp sử dụng súng tự chế gây thương tích cho người khác. Từ tuyên truyền, vận động của Đại úy Lê, anh ABing Lam đã tự nguyện giao nộp khẩu súng tự chế mà vốn anh rất quý.

Già làng Bíu Pố, xã Lăng cho biết: “Đồng chí Lê không tự cho mình là Trưởng Công an mà rất hòa đồng với quần chúng. Người Cơ Tu chúng tôi, khi ai đó nói một câu, vài câu tiếng Cơ Tu tự nhiên chiếm được lòng của người ta, chính vì thế mà đồng chí Lê tuyên truyền vận động thu hồi súng, vũ khí tự chế là bà con tự nguyện giao nộp”.

Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền vận động đồng bào giao nộp VK, VLN, CCHT, ý thức của đồng bào vùng cao được nâng lên rõ rệt. 

Trong 10 tháng đầu năm 2023, với hơn 500 buổi, 450 lượt tuyên truyền với 80.900 người tham gia, người dân đã hiểu được tác hại nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, từ đó đã tự giác giao nộp cho lực lượng Công an gần 500 khẩu súng tự chế các loại và hàng trăm loại công cụ hỗ trợ khác.. Qua đó hạn chế những sự việc, tai nạn đáng tiếc do sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây ra, góp phần giữ gìn bình yên cho những bản làng vùng cao./.

 

Xuân Mai
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website